Đề xuất đưa nội dung đào tạo nghề vào Bộ luật Lao động sửa đổi

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/03/2019 20:25 GMT+7

Nhiều nội dung được các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp đề xuất, góp ý để sửa đổi Bộ Luật lao động liên quan đến đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Trong đó có đề xuất đưa nội dung đào tạo nghề vào luật.

Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đào tạo

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, cho biết: “Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có buổi hội thảo tham vấn các đối tác phát triển để đề xuất nội dung đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung rà soát kỹ, đánh giá và bổ sung những nội dung quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Tổng cục đã phối hợp với Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam– GIZ, tổ chức Lao động quốc tế  (ILO) tổ chức hội nghị tham vấn với một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở rà soát lại các nội dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề để có đề xuất ban đầu về sửa đổi bổ sung các dung dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ Luật lao động sửa đổi”.

Theo ông Tiến, dự thảo sửa đổi cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên ở tất cả các khâu từ xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh gia thông qua các cơ chế cụ thể như hội đồng từ vấn nghề ở cấp trường và hội đồng kỹ năng ngành.

Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề Mỹ Quyên
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

“Làm thế nào để nhấn mạnh vai trò của các hội đồng kỹ năng ngành trong việc kết nối các bên liên quan tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên ký kết hợp đồng đào tạo khi hợp tác đào tạo, các nội dung liên quan đến hợp đồng đào tạo cần quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động; trong việc hợp tác đào tạo, người sử dụng lao động cần cung cấp, chỉ định người đào tạo tại doanh nghiệp có đủ năng lực”, ông Tiến nhìn nhận.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cũng cho biết việc thu hẹp khoảng cách và tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một thách thức mà ngành giáo dục nghề nghiệp đang và sẽ tập trung tháo gỡ. “Hình thành một khung pháp lý trong Bộ Luật lao động sửa đổi tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gắn kết hợp tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết khâu việc làm cho người lao động là rất cần thiết”, ông Dũng nhấn mạnh..

 

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.