Định hướng ngành nghề từ đầu lớp 10

Bích Thanh
Bích Thanh
17/07/2018 08:00 GMT+7

Ngay trong thời điểm nộp hồ sơ nhập học lớp 10, ban giám hiệu các trường THPT tại TP.HCM đã định hướng cho học sinh về lựa chọn khối thi, ngành nghề cho việc xét tuyển vào ĐH những năm sắp tới.

Xếp lớp theo định hướng khối thi
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho hay qua nhiều năm quan sát và tìm hiểu xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh nên nhà trường dự kiến xếp lớp theo định hướng xét tuyển như các lớp khối A, B, D, A1. Vì vậy trong thời gian quy định nộp hồ sơ lớp 10, hằng ngày nhà trường đều phân công 4 giáo viên có kinh nghiệm trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp để trao đổi, trò chuyện với phụ huynh, học sinh trước khi đưa ra quyết định. Một giáo viên phụ trách công việc tư vấn của trường này cho biết tư vấn là để giúp phụ huynh cũng như học sinh có những cơ sở để đưa ra quyết định trong việc chọn lớp học định hướng thì phải bắt đầu từ thế mạnh, sự yêu thích môn học đồng thời căn cứ vào mong muốn nghề nghiệp trong tương lai của chính học sinh.

Còn ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nói rằng từ những học sinh trúng tuyển vào trường, nhà trường tổ chức lớp học theo định hướng nâng cao một số môn để phục vụ cho mục đích xét tuyển ĐH. Theo đó, trường tổ chức 3 loại mô hình, chẳng hạn, lớp định hướng khối A và B học nâng cao 4 môn toán, vật lý, hóa học, sinh học. Còn lớp định hướng khối A1 và D học nâng cao các môn toán, vật lý, ngữ văn, tiếng Anh. Nhà trường mở lớp học nâng cao các môn có trong tổ hợp xét tuyển mới bao gồm toán, hóa học, ngữ văn, tiếng Anh. Ông Khương nhấn mạnh học sinh phải dựa vào năng lực học tập và đam mê để lựa chọn.
Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) thông báo cụ thể, nhà trường tổ chức lớp học theo tổ hợp khối thi ĐH. Nhà trường gợi ý cho phụ huynh và học sinh những tiêu chí để làm căn cứ khi lựa chọn. Theo ông Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng nhà trường, đối với lớp khối A, học sinh cần thỏa mãn điều kiện điểm thi tuyển sinh lớp 10 môn toán từ 5 trở lên, tổng điểm trung bình 3 môn toán, vật lý, hóa học lớp 9 từ 20 điểm trở lên. Những học sinh khác, ngoài điểm thi môn toán tương tự như khối A có thể học lớp khối A1 nếu có tổng điểm trung bình 3 môn toán, vật lý, tiếng Anh từ 20 điểm trở lên. Nếu muốn học khối B thì tổng điểm 3 môn toán, hóa học, sinh học cũng phải đạt từ 20 điểm trở lên. Còn nếu muốn học định hướng khối D, thì điểm thi tuyển sinh môn tiếng Anh phải đạt từ 5 trở lên và tổng điểm trung bình 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh đạt từ 19,5 trở lên.
Có thể thay đổi trong năm học
Hiệu trưởng các trường THPT đều cho rằng, theo lý thuyết cũng như quy định thì đến trước kỳ thi THPT quốc gia, học sinh mới phải nộp hồ sơ đăng ký lựa chọn theo học ngành nào, trường ĐH nào. Nhưng để học đúng ngành mình yêu thích ở đúng trường ĐH phù hợp thì học sinh phải chuẩn bị kiến thức ngay từ lớp 10. Đặc biệt với sự thay đổi liên tục trong việc đánh giá thi cử như hiện nay, học sinh không thể chần chừ, chờ nước đến chân mới nhảy.
Do vậy, một hiệu phó trường THPT tại Q.Thủ Đức thông tin, dù trong hồ sơ nhập học, nhà trường cho học sinh đăng ký định hướng khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội nhưng sau một học kỳ, nhà trường sẽ cho đăng ký lại nếu có nhu cầu. Thậm chí, có thể chuyển đổi bất cứ lúc nào trong năm học nhưng phải có căn cứ thuyết phục.
Còn ông Hà Hữu Thạch cũng cho biết đến kỳ đăng ký lại sau đó khoảng một năm học, có khoảng 5 đến 10% học sinh thay đổi lựa chọn. Thường các em không thay đổi đột ngột mà hầu như thay đổi một trong 3 môn tổ hợp xét tuyển bởi có thể lúc này phát hiện ra thế mạnh vượt trội.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhấn mạnh kiến thức ở bậc THCS chưa đủ liều lượng để định hướng một cách chính xác nhất về nghề nghiệp. Nên đây chỉ là bước tham khảo ban đầu và phần nào cũng là một yếu tố giúp học sinh có ý thức trong việc học tập để lựa chọn ngành nghề cho tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.