Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) dự báo châu Á sẽ thu hút mạnh du học sinh quốc tế.
|
Trong hơn một thập niên qua, số lượng sinh viên (SV) ĐH trên toàn cầu tăng nhanh chóng. Trong năm 2000, có 97 triệu SV trên thế giới vào ĐH, dự kiến con số này sẽ tăng 263 triệu vào năm 2015. Ông Gwang-jo Kim, Giám đốc văn phòng Bangkok của UNESCO, cho rằng sự phát triển này một phần xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế trí thức và nguồn nhân lực có kỹ năng cao. Theo ông Kim, số SV du học cũng tăng từ 1,3 triệu vào năm 1999 lên 4,3 triệu trong năm 2011.
Dòng chảy đổi hướng
Cho đến giữa thập niên 1990, SV có xu hướng chọn các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Vương quốc Anh và Úc để du học. Tuy nhiên, xu hướng đó đang có sự thay đổi đáng kể trong thập niên này, khi một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc nỗ lực trở thành điểm đến du học của SV quốc tế, theo nghiên cứu về sự dịch chuyển của SV quốc tế ở châu Á và Thái Bình Dương vừa được Văn phòng UNESCO ở Bangkok công bố.
|
Ngoài ra, nhiều ĐH, đặc biệt ở Anh, Mỹ và Úc đã thiết lập các chi nhánh hoặc ký thỏa thuận hợp tác với các nhà cung cấp giáo dục ở châu Á. Do đó, nghiên cứu dự báo khuynh hướng các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á thu hút du học sinh quốc tế sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong số đó, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore được xem là những “đối thủ đang nổi lên” trong việc thu hút SV quốc tế, chủ yếu từ các nước khác ở châu Á. Chẳng hạn, Singapore không chỉ là điểm đến phổ biến của SV thuộc các nước khu vực mà còn thu hút SV đến từ châu u, Mỹ và Úc. Trong khi đó, từ năm 2000 số SV nước ngoài đến Hàn Quốc tăng và tiếp tục tăng đều đặn ở những năm sau này.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á đang có kế hoạch thu hút SV nước ngoài. Chẳng hạn, chính phủ Nhật vừa bắt đầu kế hoạch thu hút 300.000 SV quốc tế trong vòng 6 năm tới. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch nhận số SV quốc tế tương tự trước năm 2020. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hồi tháng rồi tuyên bố quốc tế hóa đóng vai trò quan trọng đối với giáo dục ĐH và chính quyền của ông đặt mục tiêu thu hút 150.000 SV nước ngoài đến năm 2020, theo chuyên trang giáo dục University World News.
Tuy nhiên, dòng chảy SV ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có sự mất cân bằng. Nghiên cứu trên chỉ ra Hồng Kông đưa SV ra nước ngoài nhiều hơn là nhận SV quốc tế, trong khi Úc thì ngược lại. Tỷ lệ này ở Malaysia hiện nay không chênh lệch nhiều, nhưng nó có thể thay đổi trong tương lai, do số SV Malaysia du học đang giảm vì chính phủ cắt bớt phần tài trợ du học, nhưng khuyến khích SV học trong nước. Thái Lan cũng đã cắt giảm lượng học bổng du học và giảm phân nửa số cán bộ được cử học nước ngoài trong giai đoạn 2005 - 2009, phần lớn ở Mỹ và Anh. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, nhiều quan chức Thái lại đến học ở Trung Quốc. Trong khi đó, số SV nước ngoài ở Philippines đang tăng lên, phần lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ, Iran... Theo nghiên cứu, những khóa học mà SV nước ngoài đăng ký học nhiều nhất ở những trường ĐH của châu Á gồm y khoa, tiếng Anh, công nghệ thông tin, kỹ thuật, quản lý nhà hàng và khách sạn...
Những yếu tố quan trọng thu hút SV du học
Theo nghiên cứu của Văn phòng UNESCO ở Bangkok, kiểm soát, quản lý SV trong nước du học, hỗ trợ tài chính cùng việc nới lỏng quy định về thị thực SV đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút SV du học.
Chẳng hạn chính sách của chính phủ về việc cấp học bổng hay hỗ trợ tài chính cho SV trong và ngoài nước là yếu tố chính ở Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Đối với SV từ Hồng Kông, Thái Lan và Philippines, cơ hội làm việc và ở lại một quốc gia khác là yếu tố giúp họ du học. Nghiên cứu chỉ ra rằng dù có sự ưu chuộng rõ ràng đối với nền giáo dục ở Anh, Úc và Mỹ, nhưng sự tương đồng về tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong xu thế dịch chuyển SV ở khu vực. Chẳng hạn ngày nay SV Iran có xu hướng chọn Malaysia hay SV Malaysia chọn Indonesia là điểm đến du học.
90% du học sinh châu u là người châu u Hiện nay ở châu u có 10 nước được xem là các quốc gia “nhập khẩu” SV, trong đó có Anh, Áo, Bỉ, CH Czech, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Sĩ, theo University World News. Nhưng có tới 22 nước “xuất khẩu” đối tượng này, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Slovakia. Sự mất cân đối này đã gia tăng đáng kể trong thập niên qua và không có dấu hiệu suy giảm, gây đau đầu cho các chính trị gia lẫn lãnh đạo các ĐH và tạo ra những căng thẳng trong hiệp ước của Liên minh châu u liên quan đến việc di chuyển tự do của con người giữa các quốc gia thành viên. University World News chỉ ra gần 90% du học sinh ở châu u là người thuộc châu lục này. |
Minh Trung
>> Du học sinh Philippines cùng xuân yêu thương
>> Vận động gỡ lệnh cấm nhập cư vào Úc đối với một du học sinh VN
>> Cựu du học sinh Mỹ họp mặt đầu xuân
>> Hoa Kỳ - Điểm đến hàng đầu của du học sinh
>> Triển lãm Thế Giới Du Học tháng 8: Giao lưu cùng du học sinh và nhận quà tặng
Bình luận (0)