Đưa giáo viên trung học dạy mầm non!

15/01/2017 07:51 GMT+7

Vì quá thiếu giáo viên mầm non và quá dư giáo viên THCS, THPT nên nhiều nơi bố trí 'ngược đời' là đưa giáo viên trung học xuống dạy mầm non...

Hội nghị sơ kết học kỳ 1 với 63 giám đốc sở GD-ĐT trên toàn quốc, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14.1 tại Hà Nội, nổi lên vấn đề về việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay.
Có tỉnh sẽ triển khai đại trà năm 2017 ?
Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT nêu thực tế tình trạng dôi dư, thiếu GV xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Nguyên nhân của việc dôi dư nhiều GV ở cấp THCS được Bộ đánh giá là do: thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu đội ngũ GV. Ngoài ra, còn do một số địa phương thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp (sáp nhập các trường, lớp) dẫn đến dôi dư GV, cán bộ quản lý, nhân viên...

tin liên quan

Chuyển giáo viên phổ thông dạy mầm non có được không?
Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH diễn ra cuối tuần qua ở Đà Nẵng (do Bộ GD-ĐT tổ chức), PGS-TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cho biết trước thực trạng giáo viên mầm non còn thiếu trong khi thừa giáo viên phổ thông ở một số tỉnh, các địa phương đã có chính sách điều chỉnh “nội bộ”, tức là đưa giáo viên phổ thông dư thừa về dạy ở các trường mầm non.
Trong khi đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp quy mô lớn ở các địa phương và tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu công nghiệp; việc nới lỏng sinh con thứ ba ở giai đoạn sau năm 2000 và những năm gần đây dẫn đến gia tăng tỷ lệ học sinh tiểu học và trẻ mầm non.
Từ thực tế này, không ít địa phương đã bố trí GV dôi dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học. Tỉnh Thanh Hóa là một điển hình của bất cập này.
Tại hội nghị, giám đốc các sở GD-ĐT Nghệ An, Đà Nẵng cũng thừa nhận phải giải quyết bài toán dôi dư GV ở cấp trung học bằng cách điều chuyển xuống dạy mầm non sau quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại và thí điểm. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết năm 2016 thí điểm ở 3 huyện và năm 2017 sẽ triển khai đại trà trên toàn tỉnh...
Không nên làm vội vàng
Số lượng GV thừa - thiếu cục bộ các môn học cụ thể như sau: tổng số GV công lập dôi dư là 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, THCS: 21.005, THPT: 2.551), tổng số GV công lập còn thiếu là 45.058 (trong đó, mầm non lên tới 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794). Một số tỉnh có số lượng GV cấp THCS dôi dư rất nhiều, như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096; các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP.HCM 1.195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như: TP.Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196...
Xung quanh vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý cần tránh tình trạng chưa chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho GV theo đúng yêu cầu của từng bậc học, cấp học. “Không thể vì thiếu quá, bí quá mà chúng ta vội vàng đưa GV đang dạy ở cấp trung học xuống dạy mầm non chỉ sau vài tháng tập huấn. Làm như vậy rất nguy hiểm. Về tuyển mới GV, thời gian tới sẽ phải căn cứ, bám sát vào chuẩn GV sắp được Bộ ban hành thay thế chuẩn GV hiện nay”, ông Nhạ lưu ý.
Ông Nhạ cũng khẳng định sắp tới sẽ xây dựng chương trình đào tạo sư phạm chuẩn và tiến tới áp dụng thống nhất trên toàn quốc, gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường sư phạm sẽ căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mới để đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng GV; Sẽ ban hành chuẩn GV phổ thông, chuẩn giảng viên sư phạm, quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, gắn với hệ thống giáo dục phổ thông thành một chuỗi thống nhất.
Ngành giáo dục không có quyền gì!
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chỉ ra rất nhiều bất cập liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm đội ngũ của ngành. Theo bà Hằng, thực tế là ngành giáo dục hiện nay không có quyền gì về đội ngũ và tài chính. Con người thì do ngành nội vụ nắm, về tiền thì ngành tài chính nắm và phân bổ còn ngành GD-ĐT thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng, do vậy rất khó khăn cho các sở GD-ĐT. Suốt từ năm 2007 đến nay, Thanh Hóa giao quyền quản lý đội ngũ từ mầm non đến THCS cho chủ tịch huyện; giao chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra về đội ngũ là Sở Nội vụ; phân bổ tài chính là Sở Tài chính. Ngay việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học hay THCS nhưng lại do chủ tịch huyện bổ nhiệm. Bổ nhiệm trưởng phòng GD-ĐT thì giám đốc sở GD-ĐT cũng không biết, bổ nhiệm hiệu trưởng trường THPT thì giám đốc sở GD-ĐT cũng không có quyền.
Cũng theo bà Hằng, từ năm 2011 - 2016, chỉ tiêu biên chế với ngành GD-ĐT ở Thanh Hóa là... đóng băng, mặc cho tình hình tăng giảm đội ngũ biến động như vậy. “Chúng tôi đã liệt kê hết những báo cáo với UBND tỉnh về dự báo quy mô trường lớp, đội ngũ GV thừa thiếu ra sao, đề xuất thế nào... nhưng chúng tôi không có thẩm quyền tuyển dụng. Chủ tịch UBND các huyện có thẩm quyền nên họ để xảy ra tình trạng hợp đồng sai quy định”, bà Hằng nói.
Đề thi thử nghiệm kỳ thi THPT quốc gia sẽ được công bố 2 lần
Báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết cuối tháng 1.2017 sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập. Sau đó, tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016 - 2017 (dự kiến giữa tháng 5.2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị thi.
Như vậy, ngoài đề thi minh họa đã được công bố vào tháng 10.2016, Bộ GD-ĐT sẽ có 2 lần công bố đề thi thử nghiệm, một lần công bố đề riêng rẽ của từng môn thi, trước kỳ thi khoảng gần một tháng sẽ công bố đề thi thử nghiệm theo đúng định dạng bài thi sẽ áp dụng vào năm 2017.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Từ tháng 10 - 12.2016 đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên toàn quốc; lựa chọn, huy động GV THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá.
Ông Trinh cho rằng không được cắt xén thời lượng chương trình lớp 12 để dồn thời gian cho việc ôn tập, làm như thế là rất nguy hiểm vì đề thi trắc nghiệm sẽ bao quát toàn bộ nội dung kiến thức, chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12.
Còn ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, lưu ý các địa phương không được dùng kỳ kiểm tra học kỳ để tổ chức như thi THPT quốc gia đối với lớp 12, gây căng thẳng và hoang mang cho các nhà trường và xã hội, có thể ảnh hưởng đến kết quả bài làm của học sinh vì các trường chưa đủ thời gian để làm quen với cách ra đề theo đúng tinh thần, mục đích của kỳ thi.
Ông Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sớm xây dựng hướng dẫn cụ thể những vấn đề liên quan đến kỳ thi để các giám đốc sở GD-ĐT nắm chắc và có thể trả lời thay Bộ trưởng những vấn đề rất căn bản liên quan đến kỳ thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.