Đừng trở thành 'con nợ' khi du học ở Nhật

Thu Hằng
Thu Hằng
24/01/2019 08:42 GMT+7

Chưa thực hiện ước mơ hoài bão tại Nhật Bản, nhiều bạn trẻ VN đã trở thành 'con nợ' khi phải vay mượn số tiền lớn, bị ép buộc, bị lừa gạt khi vừa đặt chân đến nước này du học hoặc thực tập sinh kỹ năng.

Ngày 22.1, lần đầu tiên Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội thảo cung cấp thông tin chính xác về du học và thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản cho bạn trẻ VN.

Giấc mơ, hoài bão của các bạn trẻ là nguồn kiếm lời

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Umeda Kunio, trong 3 - 4 năm trở lại đây, VN trở thành nước quan trọng nhất hỗ trợ Nhật Bản giải quyết các vấn đề về thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Hiện có hơn 300.000 người VN đang lưu trú tại Nhật Bản và hỗ trợ nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, theo ngài đại sứ, điều rất đáng tiếc, trong 3 - 4 năm trở lại đây, nếu phân theo các quốc gia và số thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản thì VN đang đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài (trong đó hơn 90% tội phạm trộm cắp). 

Ông Umeda Kunio chia sẻ: “Các bạn trẻ VN đến Nhật với nhiều giấc mơ hoài bão, không ai đến Nhật với mục đích ban đầu là phạm tội. Tuy nhiên, có những người xem giấc mơ, hoài bão củ̉a các bạn trẻ là nguồn kiếm lời và đẩy các bạn vào con đường phạm tội. Đó là các công ty môi giới, phái cử “thiếu đạo đức”, họ luôn có ý định lừa gạt những người trẻ bằng các lời mời ngọt ngào. Họ luôn yêu cầu trả phí môi giới với nhiều lý do. Kết quả là, các bạn trẻ mang một “gánh nặng nợ” từ người thân, các công ty tài chính trước khi đến Nhật”.
Ông Phạm Chí Cường, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT, cũng cho hay số lượng lưu học sinh VN tại Nhật Bản không ngừng gia tăng, hiện có 72.000 người. Cùng với sự gia tăng số lượng là tăng tỷ lệ phạm pháp. Theo ông Cường, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một phần do các bạn trẻ và các bậc phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ thông tin hoặc nhận được tư vấn thiếu chính xác. “Họ sẵn sàng trả phí cao hoặc qua môi giới. Vì vậy, không ít người phải gánh khoản nợ không nhỏ. Đó là lý do khi sang Nhật, các bạn đã phải kiếm tiền bằng mọi giá để trả nợ, kể cả bằng con đường phạm pháp”, ông Cường nói.
Không chỉ bị các công ty trong nước lừa gạt, ngay cả những công ty tiếp nhận tại Nhật Bản cũng vi phạm pháp luật. Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH, cho hay có tình trạng nghiệp đoàn Nhật Bản bắt tay với công ty phái cử cắt giảm các chế độ của thực tập sinh dẫn đến chi phí của họ cao hơn. Điều này cũng được Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio xác nhận.

Cân bằng việc học với việc làm

Từng có 7 năm du học tại Nhật, anh Nguyễn Quang Tùng, cựu du học sinh, chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn trẻ phải học tiếng Nhật thực sự, ít nhất là đạt được trình độ N4. Khi thông thạo tiếng Nhật, các bạn sẽ tránh được vất vả khi học tập và làm việc tại Nhật. Việc làm thêm sẽ giúp người trẻ rèn luyện ý chí, nghị lực cho bản thân. Vì vậy, chọn các công ty tư vấn, môi giới uy tín giúp bạn tìm kiếm công việc làm thêm. Tuy nhiên, các bạn nên cân bằng việc học với việc làm. Học tập mới là mục đích chính để có tương lai tốt đẹp”.
Theo ông Momoi, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật, có nhiều bạn trẻ đã phải bỏ hơn 200 triệu đồng để sang Nhật bằng visa du lịch (90 ngày) với lời hứa tìm được việc làm thêm. “Để làm việc tại Nhật phải có thị thực lao động dài hạn và không thể chuyển đổi từ thị thực du lịch sang. Các bạn trẻ cần biết để tránh bị lừa đảo. Du học là để học, không phải kiếm tiền. Muốn kiếm tiền, bạn trẻ nên lựa chọn chương trình thực tập sinh. Tránh đi du học bằng mọi giá, nếu không, tiền vay và tiền từ việc làm thêm sẽ không đủ trang trải học phí”, ông Momoi nói.
Các lĩnh vực được ưu tiên tiếp nhận
Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại VN, từ ngày 1.4.2019, cơ chế kỹ năng đặc định đã được đưa vào như một tư cách lưu trú mới nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp nhận những người đã có kỹ năng với thời gian làm việc tối đa 5 năm trong 14 vực như: nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế tạo, hộ lý, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ lưu trú, vệ sinh tòa nhà, sửa chữa ô tô… Đối tượng tiếp nhận là những người đã hoàn thành 3 năm thực tập kỹ năng, hoặc những người thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật và kỳ thi đánh giá kỹ năng tương đương 3 năm.
 
Không đi du học vì mục đích kiếm tiền
Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho biết, tại Nhật công tác quản lý các công ty thiếu đạo đức đang được tăng cường.Ông Umeda Kunio bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là các bạn trẻ không bị các công ty và môi giới lừa đảo, phạm tội và bị bắt. Chính phủ Nhật Bản đang hợp tác với Chính phủ VN nghiêm túc thực hiện nhằm loại bỏ những công ty môi giới, công ty phái cử thiếu đạo đức”. Ngài đại sứ cũng đưa lời khuyên với bạn trẻ VN có ý định sang học tập và làm việc tại Nhật, đó là: không sử dụng môi giới thiếu đạo đức; không trả phí môi giới cao (nếu trả tiền hoặc phí phải nhận được hóa đơn); không đi du học vì mục đích kiếm tiền.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, phí phái cử với thực tập sinh trong trường hợp hợp đồng 3 năm từ 3.600 USD trở xuống. Đối với hợp đồng 1 năm là 1.200 USD trở xuống. Thông tư cũng quy định chi phí đào tạo trước khi xuất cảnh là 5,9 triệu đồng. Bên cạnh đó, luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm quy định việc thu tiền ký quỹ và phạt vi phạm hợp đồng. Người lao động cần nhận phiếu thu đầy đủ các khoản phí.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành một số quy định ràng buộc với các công ty phái cử, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.