Giảm chi ngân sách cho những trường tuyển sinh ít

17/01/2017 09:01 GMT+7

Mặc dù đầu tư tiền tỉ nhưng nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp không tuyển sinh được.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng, thu hút được người học là vấn đề quan trọng được đặt ra tại hội nghị “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” diễn ra sáng 16.1 tại TP.HCM.
Tại đây, nhiều băn khoăn, thắc mắc của đại diện các trường trong giai đoạn chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và những kiến nghị nhằm thay đổi chất lượng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải đáp.
Không có người học, không thể nâng chất lượng
Một trong những nội dung quan trọng nhất được nhiều đại biểu lo lắng đề cập là vấn đề tuyển sinh. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong 5 năm qua, quy mô tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu và liên tục giảm. Trong đó, mục tiêu bậc cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) giai đoạn 2011 - 2015 phải là 2,1 triệu người, nhưng chỉ có 1,1 triệu người học, đạt 52%. Tuyển sinh TC chuyên nghiệp hằng năm giảm 15% còn CĐ giảm 18%.
Ông Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu, nhìn nhận: “Rõ ràng nhiều trường hiện nay không tuyển sinh được do phân luồng chưa hiệu quả, tâm lý người học còn nặng về bằng cấp, chính sách liên thông chưa rộng mở. Muốn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì trước tiên phải có người học”.

Tại hội nghị, GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho biết: “Nếu không có người học thì rất khó nâng cao chất lượng đào tạo. Một trường chỉ có vài trăm, vài chục học sinh thì sẽ không có khí thế để hoạt động. Các trường CĐ những năm qua chỉ đạt 50 - 60% chỉ tiêu. Và việc phân luồng chưa hiệu quả khi chỉ có rất ít học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề”.
Ông Lương Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng và công nghiệp, nêu số liệu, mục tiêu của phân luồng là đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề nhưng tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua chỉ có 2 - 5%. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể đậu ĐH bằng phương thức học bạ nên nguồn tuyển không còn bao nhiêu. Nhiều đại biểu cho biết rất nhiều trường CĐ, TC đầu tư tiền tỉ cho các trang thiết bị nhưng do không có người học nên thiết bị đắp chiếu, xưởng thực hành đóng cửa, mốc meo...

tin liên quan

Trường CĐ bối rối chưa biết tuyển sinh ra sao
Nghị định của Chính phủ cũng đã quy định về các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, nhưng đến nay các trường CĐ, TC vẫn đang bối rối vì chưa có hướng dẫn thực hiện trong khi mùa tuyển sinh sắp đến.

Tự chủ là chìa khóa phát triển
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong giai đoạn chuyển giao, việc tuyển sinh, mở ngành, chương trình đào tạo của các trường CĐ, TC vẫn tiếp tục như trước cho đến khi Bộ LĐ-TB-XH ban hành quy định mới, trên nguyên tắc quy định mới phải thuận lợi hơn cái cũ. Ông Đam nhấn mạnh, chìa khóa để đổi mới và nâng cao giáo dục nghề nghiệp chính là phải để các trường được tự chủ.
Ông Đam nhìn nhận: “Đến nay bậc ĐH có khoảng chục trường tự chủ, CĐ mới chỉ có 3. Tự chủ thì mới có thể phát triển. Tiến tới ngân sách nhà nước cũng phải đổi mới cơ chế. Vì lâu nay, nhiều trường không tuyển sinh được cũng nhận được ngân sách cả chục tỉ đồng giống như các trường tuyển sinh được. Thay đổi để trường tuyển được nhiều thì nhận nhiều ngân sách, còn trường tuyển ít thì giảm bớt”.
Ông Đam cho rằng các trường CĐ ngoài công lập lâu nay tự thu tự chi, không được cấp ngân sách cũng hằng ngày phải vận động để tồn tại và phát triển. Chính vì thế mới có người dí dỏm ví trường công lập giống như “một cậu thanh niên lớn rồi mà vẫn chưa cai sữa” trong khi các trường ngoài công lập “chưa có răng đã phải ăn cơm”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Tuyệt nhiên không duy trì cơ chế bao cấp như trước nữa. Các trường tự chủ sẽ được quyết định về chuyên môn, về việc mở ngành nghề, toàn quyền về tổ chức bộ máy… Lúc đó sẽ phải năng động để tồn tại và phát triển”. Theo ông Đam, các trường tự chủ đang tuyển sinh và đào tạo rất tốt, vì vậy ông đề nghị các bộ, UBND các tỉnh phải kiên quyết thực hiện để tiến tới giao tự chủ cho các trường.

tin liên quan

Truyền hình trực tuyến: Tư vấn mùa thi - Giải đáp băn khoăn về chọn ngành nghề
Vào 9 giờ ngày 16.1, buổi thứ hai chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra tại Trường THPT Trường Chinh (TP.HCM). Đại diện các trường đại học cung cấp thông tin mới nhất về những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới xét tuyển vào đại học sắp tới. Đặc biệt hơn, những băn khoăn về định hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh tham dự trực tiếp sẽ được giải đáp cặn kẽ.

Các giải pháp nâng cao chất lượng
Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB-XH đề ra mục tiêu từ năm 2016 - 2020 sẽ đào tạo mới trình độ CĐ, TC cho khoảng
3,2 triệu người, trong đó có 10% được đào tạo theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế theo cơ chế nhà nước đặt hàng đào tạo.
Sẽ có 100% nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Các ngành nghề còn lại sẽ có 70% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học.
Có 60% trường CĐ, 40% trường TC và 80% chương trình đào tạo ngành nghề trọng điểm quốc gia được kiểm định chất lượng.
Đề án đưa ra các nhóm giải pháp như đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới quản trị nhà trường theo mô hình hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường cơ sở vật chất thiết bị, gắn kết đào tạo với sử dụng lao động, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy công nhận bằng cấp, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp...
Nhập 34 bộ giáo trình chuẩn quốc tế
Ngoài những kiến nghị liên thông phải cởi mở hơn để người học nghề được học lên bậc ĐH, đại diện các trường còn băn khoăn việc làm thế nào để chất lượng lao động có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.  
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng lâu nay một số trường tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, mới chỉ là cái “vỏ”, mà quên đầu tư vào con người. Đó chính là đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp chuyển giao kiến thức, công nghệ cho người học. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: “Chất lượng đào tạo muốn đổi mới và nâng cao thì phải tập trung vào việc đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập thì phải hướng tới thị trường ASEAN, bằng cấp phải được các nước trong hệ thống ASEAN công nhận. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của lao động VN lâu nay chưa theo kịp các nước trong khu vực”.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ đã nhập về 34 bộ giáo trình chuẩn quốc tế. Hiện đã có 45 trường nghề chất lượng cao áp dụng chương trình này và bắt đầu từ năm 2017 sẽ đưa vào các trường khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.