Trong một lớp chăm sóc đặc biệt ở trường Thorplands, Northampton (Anh), có một bảng in 10 điều quy định. Gồm: dùng lời lẽ nhã nhặn, giúp đỡ người khác khi có thể, chia sẻ và xếp hàng, lắng nghe người khác, trung thực và thật thà, suy nghĩ trước khi phát biểu, ghi nhớ cách ứng xử, biết kiềm nén tâm trạng, suy nghĩ đến tâm trạng của người khác và không gian lận khi chơi và làm việc".
|
Bobby và Elizabeth chăm chú xếp bàn ăn, lông mày chúng nhíu cả lại vì tập trung. Một khi bữa sáng bắt đầu, người ta nghe vang lên những câu "vui lòng cho tớ xin hộp bơ" và "bây giờ tớ có thể đứng dậy ra ngoài chơi nhé". Nếu có bé nào không nhờ bạn bè một cách lịch sự, hoặc quên lên tiếng nhờ giúp đỡ, cô giáo sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở.
Cô hiệu trưởng Mari Slaymaker cho biết: "50 năm trước, khi tôi ở lứa tuổi các em, chúng tôi luôn ngồi vào bàn để dùng bữa sáng, cũng như các bữa ăn khác trong ngày. Hồi đó, chẳng thể rời bàn mà không xin phép. Đó là chuyện ngày xưa. Còn hiện nay người ta làm việc nhiều hơn, lại làm theo ca kíp, chẳng ổn định. Những năm trước, tôi luôn về nhà vào giờ cơm trưa. Điều đó mang lại cảm giác an toàn".
Christine Martin là một trong số những phụ huynh sẵn sàng phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục thói quen lễ phép cho học sinh. Daniel 6 tuổi, con trai của ông, đang nhai bánh mì rào rạo. Ông cho biết: "Tôi nhận thấy cách cư xử của cháu có thay đổi. Nó trở nên chín chắn hơn, biết lắng nghe hơn. Còn trước đây nó cứ làm lơ với lời nói của mọi người. Tôi cũng vẫn quan tâm dạy cháu cách cư xử, nhưng rõ ràng môi trường lớp học có hiệu quả hơn". Ông nói tiếp: "Chúng cần được đưa vào nề nếp. Nếu chúng được giáo dục tốt ở giai đoạn này, thì khi lên 10 trở đi, chúng sẽ hiểu biết hơn".
Dạng lớp chăm sóc đặc biệt này được khởi xướng từ năm 1969, nhằm giúp đỡ những trẻ em thuộc các gia đình nhập cư đến từ Jamaica. Cô Marion Bennathan, một chuyên gia về dạng lớp này, nhận xét: "Những đứa trẻ này không bị tâm thần hay sang chấn trong quá trình chào đời. 80% trong số này có thể trở lại với những lớp học bình thường. Lễ phép, biết tôn trọng người khác và bản thân là điều chủ yếu, điều đó góp phần kích thích chúng phát triển tình cảm và trí thông minh". Đây chính là dạng lớp đang được chính phủ Anh ưu tiên đầu tư và hỗ trợ. "Giáo dục và nuôi dưỡng các em ở lớp đặc biệt có chi phí rất cao. Thế nhưng các em theo những lớp chăm sóc đặc biệt này chỉ phải trả 3.000 bảng. Và mục tiêu chính của những lớp này là giáo dục thói quen lễ độ cho các em. Một cuộc điều tra cho thấy ở những trường có những lớp như thế này, số học sinh cá biệt giảm hẳn", cô Bennathan phấn khởi cho biết. |
Thorplands là một trong những khu vực nghèo nhất ở Northampton. Cô Slaymaker cho biết Thorplands xếp hạng 312/315 trường ở vùng này, và thuộc những trường được chọn để làm thí điểm xóa bỏ cách ứng xử khiến người khác khó gần gũi của các học sinh. Cô nói: "Do xuất thân gia đình, các em không có khả năng ứng xử và thích ứng với xã hội tốt. Thế nên không chỉ tập trung giáo dục các em, chúng tôi cũng còn phải làm việc, tiếp xúc với phụ huynh".
Về phần học sinh, các em rất say mê, thích thú tập luyện những thói quen giao tiếp trong ngày. Làm phong phú cách ứng xử là môn học không có bài kiểm tra, nhưng mang lại cho trẻ em khả năng suy nghĩ và cân nhắc trước khi hành động. (BBC)
Hạnh Vân
Bình luận (0)