Giáo dục Việt Nam mơ 'kỳ tích sông Hàn' của Hàn Quốc

14/12/2017 18:10 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ mong muốn được lắng nghe kinh nghiệm của Hàn Quốc với kỳ vọng giáo dục Việt Nam sẽ đạt được thành tựu tương tự “ kỳ tích sông Hàn ”.

Hôm nay và ngày mai (14 - 15. 12), tại Hà Nội diễn ra diễn đàn nguồn nhân lực toàn cầu do Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Thời báo kinh tế Hàn Quốc, và Bộ Giáo dục - Đào tạo của Việt Nam phổi hợp tổ chức.
Với chủ đề Từ “kỳ tích sông Hàn” đến “kỳ tích sông Hồng”, phía Hàn Quốc đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm đã đưa đất nước này từ một nước nghèo nhất thế giới vào cuối những năm 1950 trở thành một con rồng châu Á vào đầu những năm 1990 và tạo nên “kỳ tích sông Hàn”. Ông Yoon Dae-Hee, nguyên Bộ trưởng Bộ điều phối chính sách Hàn Quốc giải thích: “Hàn Quốc là một quốc gia thiếu tài nguyên, công nghệ và vốn. Nhưng sau nửa thế kỷ, nền kinh tế của Hàn Quốc đã đạt được cái gọi là “kỳ tích sông Hàn”. Có nhiều đánh giá cho rằng động lực để tạo ra “kỳ tích sông Hàn” là nhờ coi xuất khẩu là chủ đạo trong chiến lược phát triển công nghiệp hóa. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của vốn nhân lực, cả về lượng và về chất, bên cạnh coi xuất khẩu là chiến lược chủ đạo phát triển kinh tế".

tin liên quan

Lao động cấp cao nhưng chất lượng rất thấp
Tâm lý nhiều người còn coi trọng bằng cấp, coi lao động có bằng cấp cao là chất lượng cao, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng lao động thiếu rất nhiều kỹ năng...
Theo ông Yoon Dae-Hee, nếu nhìn vào lịch sử phát triển của Hàn Quốc thì ta có thể thấy tùy từng giai đoạn mà các chính sách công nghiệp được thay đổi cho phù hợp, đồng thời chính sách giáo dục có sự gắn kết chặt chẽ với các chính sách này. Vào thập niên 60 thế kỷ trước, Hàn Quốc lấy xuất khẩu công nghiệp, công nghiệp nhẹ làm trọng tâm, như dệt may, làm tóc giả. Nguồn nhân lực tham gia sản xuất là những người lao động có trình độ thấp, chi phí lao động thấp, xuất thân chủ yếu từ khu vực nông thôn, dù họ không được đào tạo nghề một cách chuyên nghiệp và bài bản nhưng họ đã trở thành trụ cột của nền công nghiệp nhờ sự chăm chỉ chịu khó và nỗ lực muốn vượt lên cái nghèo.
"Thập niên 70, Chính phủ bắt đầu xúc tiến phát triển nền công nghiệp nặng và hóa học, chúng tôi đã thành lập các trường đào tạo nghề với quan điểm “giáo dục lập quốc”, nguồn nhân lực có tay nghề là trọng tâm vào thời gian đó. Sau đó chúng tôi thành lập các viện khoa học công nghệ Hàn Quốc vào năm 1965, viện khoa học Hàn Quốc vào năm 1971 và thu hút các nhân tài đang làm việc ở nước ngoài về Hàn Quốc. Phương hướng bồi dưỡng nhân tài của chính phủ chuyển từ học tập sang tăng cường năng lực phát triển nghiên cứu, có những hỗ trợ về thuế, tài chính để thu hút đầu tư của giới tư nhân trong lĩnh vực này", ông Yoon Dae-Hee chia sẻ.
Năm 2000 thì cơ cấu chính sách công nghiệp chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức, nên Chính phủ tập trung hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực cao cấp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông  Yoon Dae-Hee đặt vấn đề: "Vậy nguồn động lực nào đã khiến Chính phủ Hàn Quốc không ngừng nỗ lực đào tạo nhân lực để phù hợp với thời đại?" và lý giải : "Một nhà kinh tế chính trị học đã so sánh sự phát triển của Hàn Quốc và Ghana, từ đó để nhìn ra được tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Gha na và Hàn Quốc vào đầu thập niên 60 đều là những nước nghèo, sống phụ thuộc vào tiền viện trợ. Nhưng chỉ sau 30 năm đã nền kinh tế đã có sự khác biệt giữa hai nước. Vì thế, có thể coi việc Hàn Quốc - một quốc gia coi trọng Khổng giáo nên coi trọng đầu tư vào giáo dục đã tạo ra sự khác biệt đó. Hiện nay Hàn Quốc đứng thứ 11 về phát triển kinh tế, còn Ghana thì thu nhập bình quân đầu người hiện chỉ là 1.500 USD/ năm.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam đã bày tỏ kỳ vọng: “Các bạn Hàn Quốc sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm để Việt Nam đạt được kỳ tích như đất nước của các bạn”.
Ông Nhạ nói: “Chúng tôi được biết một trong những lý do quan trọng đưa Hàn Quốc đi đến thành công là chiến lược phát triển nguồn nhân lực xuất sắc của mình. Thu hút tài năng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, không chỉ trong khu vực tư nhân mà cả khu vực công để đáp ứng cạnh tranh toàn cầu là mục tiêu mà chính phủ Hàn Quốc đặt ra. Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong đó đặc biệt là Hàn Quốc - đất nước vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chúng tôi cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thông qua giáo dục và đào tạo, chúng tôi đang từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng của nhân lực Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong các ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến”.

Tại diễn đàn, GS Ngô Bảo Châu, Đại học Chicago, Mỹ, đại diện cho một nhóm tư vấn giúp Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu về chiến lược và lộ trình phát triển giáo dục đại học, cao đẳng giai đoạn Việt Nam 2020 - 2035 đưa ra một số đề xuất ban đầu nhằm giúp cho hệ thống giáo dục đại học trong nước đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ mới. Theo GS Châu, ba trụ cột cho sự phát triển giáo dục đại học và cao đẳng là quản trị, tài chính và năng lực hệ thống.
Về quản trị, đại học Việt Nam phải tìm được điểm cân bằng giữa tự chủ đại học và sự can thiệp của quản lý nhà nước. Mô hình hệ thống đại học và cao đẳng thống nhất, cùng với bộ tiêu chí rành mạch, để đảm bảo cho hiệu quả can thiệp của quản lý nhà nước (quản trị, giám sát) hướng tới nâng chất lượng của cả hệ thống. Mô hình quản trị của từng cơ sở đại học và cao đẳng tự chủ để đảm bảo thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo, nghiên cứu, minh bạch thông tin.
Về tài chính, để nâng cao hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho đại học và cao đẳng thì cần phải chuyển từ hình thức cấp kinh phí chi thường xuyên sang hình thức đặt nhiệm vụ ưu tiên (đào tạo, nghiên cứu) thông qua quy trình cạnh tranh công bằng. Đồng thời phải đảm bảo cơ hội tiếp cận đại học cho người dân bằng các hình thức như quỹ học bổng, tín dụng sinh viên. Cần tạo khung pháp lý để khuyến khích đầu tư vào đại học vào cao đẳng.
Về năng lực hệ thống, Nhà nước cần thiết kế bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học; thiết kế thị trường lao động ở đại học, cao đẳng theo hướng mở và cạnh tranh; thống nhất và đơn giản hoá hệ thống tên gọi, chức danh.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.