Giỏi nghề nhưng kém ngoại ngữ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/10/2018 09:01 GMT+7

Học kiến thức, kỹ năng nghề thì rất tốt nhưng đến tiết học văn hóa, tiếng Anh là… sợ, đó là tình trạng chung của học sinh trường nghề, dẫn đến việc dạy và học ngoại ngữ tại các trường này vô cùng khó khăn.

Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Đa số học sinh, sinh viên trường nghề, đặc biệt khối kỹ thuật, rất sợ học môn tiếng Anh. Nguyên nhân là chủ yếu các em ở nông thôn, vùng xa, không có điều kiện học ngoại ngữ, hoặc trình độ tiếp thu thấp nên bị mất căn bản. Khi vào trường nghề, các em chỉ thích học nghề và nhiều em học nghề rất tốt nhưng ngoại ngữ lại không khá được”.
Đại diện Trường trung cấp Nghề Củ Chi cũng thừa nhận, đầu vào đa số có học lực yếu, ý thức học tập chưa cao. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo chỉ từ 2 - 3 năm, vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa THPT, không có nhiều thời gian bố trí cho môn ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhận định: “Việc giảng dạy môn tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tiếng Anh là môn học bắt buộc và là môn thi quan trọng, nhưng các em học đối phó, chủ quan, do đó không đạt kết quả tốt trong các kỳ thi”.
Một giảng viên tiếng Anh của Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết tỷ lệ không đạt môn ngoại ngữ của sinh viên kỹ thuật tại nhiều trường luôn ở mức báo động. “Các em học nghề rất giỏi, nhưng không phải em nào cũng có khả năng học tốt ngoại ngữ. Trong đó, phần lớn chưa nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với công việc trong môi trường hội nhập hiện nay”, giáo viên này tâm tư.
Hầu hết đại diện các trường đều cho rằng để cải thiện trình độ ngoại ngữ của học sinh trường nghề, trước tiên cần phải tăng số tiết học.
Về phía Sở LĐ-TB-XH, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, trước mắt Sở sẽ rà soát 100% đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường cao đẳng, trung cấp. Giai đoạn 2019 - 2020 bồi dưỡng ít nhất 80% giáo viên tiếng Anh đạt chứng chỉ quốc tế IELTS (7.0). “Đổi mới phương pháp dạy học sao cho thích hợp, kích thích, lôi cuốn, phát huy tính sáng tạo và linh hoạt của học sinh - sinh viên. Cần tăng cường ứng dụng phương tiện hiện đại trong thiết kế và thực hiện các bài giảng để tạo hứng thú cho người học như lồng ghép trò chơi, bài hát vào bài học...”, ông Lâm cho biết thêm.
Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã trình Chính phủ dự thảo thông tư ban hành chương trình môn học tiếng Anh trình độ trung cấp và cao đẳng thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo. Theo đó, nâng thời lượng ở bậc cao đẳng lên thành 120 giờ và bậc trung cấp là 90 giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.