'Hãy học văn có chiến thuật'

Bích Thanh
Bích Thanh
13/05/2019 15:48 GMT+7

Thầy Đỗ Đức Anh đưa ra lời khuyên 'hãy học văn có chiến thuật'. Chiến thuật không phải một khái niệm gì cao siêu, chỉ đơn thuần là tìm ra phương thức ôn nhanh, hiệu quả và thông minh nhất.

Đừng ôm đồm kiến thức 

Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thế nhưng, nhiều học sinh đang rơi vào tình trạng choáng váng với khối lượng kiến thức khổng lồ, băn khoăn viết dài chưa chắc đã điểm cao, loay hoay không biết viết sao cho đủ ý, ngáp ngắn ngáp dài với các dàn ý, bấn loạn vì học xong rồi lại quên ngay, không có cảm xúc để cảm thụ,…

Vì vậy, làm thế nào để ôn thi môn văn một cách nhẹ nhàng, hiệu quả? Lộ trình nào để ôn tập và cán đích nhanh nhất? Đó là câu hỏi chung của nhiều học sinh trước chặng cuối của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thầy Đức Anh đưa ra lời khuyên “hãy học văn có chiến thuật”. Chiến thuật không phải một khái niệm gì cao siêu, chỉ đơn thuần là tìm ra phương thức ôn nhanh và hiệu quả nhất, thông minh nhất.

Để “học văn khôn ngoan mà không gian nan”, thầy Đức Anh chia sẻ học sinh cần tập trung ôn tập sâu kỹ các tác phẩm của lớp 12 trước bởi vì kiến thức chủ yếu trong đề thi sẽ tập trung ở lớp 12. Trong đề minh họa của Bộ GD-ĐT công bố đầu năm 2019, phần nghị luận văn học không có liên hệ với lớp 10 và 11 như năm 2018. Vì vậy, nếu coi đề thi minh họa có tính định hướng cao, thì kiến thức lớp 10 và 11 sẽ không có hoặc nếu có thì sẽ chiếm rất ít. Hãy chắc chắn rằng mình đã ôn kỹ, hiểu sâu, viết chắc chương trình của lớp 12 trước khi chuyển sang ôn sơ lớp 10 và 11 chứ đừng ôm đồm.

Bí kíp "hạ gục” giám khảo

Bí kíp đầu tiên, thầy Đức Anh xây dựng có tên gọi Giải mã bí mật trong 4 câu hỏi đọc - hiểu. Phần thi “đọc hiểu” nhưng có nhiều thí sinh “đọc hoài mà không hiểu”. Các sĩ tử cần biết có 4 kiểu câu hỏi: tái hiện kiến thức, suy nghĩ - tìm kiếm, sáng tạo, bộc lộ. Do đó trong năm 2019 này các bạn cần chú ý vào 4 dạng câu hỏi sau: Theo tác giả,…..; Anh/chị hiểu thế nào về “…….”?; Anh chị có đồng tình với “……”?; Rút ra một thông điệp hoặc một bài học ý nghĩa nhất với bản thân anh/chị.

Bí kíp 2: Chiến thuật “chém gió” câu nghị luận xã hội 200 chữ: Hãy lấy ngay sổ tay của bạn và ghi lại bí kíp viết gọn mà đủ ý, không lặp ý, bố cục rõ ràng, tách bạch các thao tác lập luận với bốn bước sau:

Bước 1: Xác định vấn đề cần nghị luận chính xác. Bước 2: Xây dựng khung đoạn văn với 5 luận điểm chính rõ ràng mạch lạc - giải thích; phân tích; chứng minh; bàn luận; bài học nhận thức và hành động cụ thể. Bước 3: Thuyết phục người đọc bằng cách tìm dẫn chứng hợp lý, thú vị, sâu sắc; Bước 4: Bắt tay viết một đoạn với lời văn hàm súc khoảng 20-25 dòng trong vòng 20 phút với cấu trúc diễn dịch hoặc quy nạp có thể hiện quan điểm bản thân một cách rõ ràng.

Bí kíp 3: Để nghị luận văn học không bị “lạc trôi”. Với riêng năm 2019, các bạn cần chú ý ôn kỹ để nắm được phương pháp làm bài dạng đề cảm nhận và phân tích hai đoạn thơ, hai đoạn văn, hai chi tiết, hai hình ảnh trong cùng một tác phẩm, tương tự như trong đề thi minh hoạ của Bộ công bố hồi đầu năm.

Nhưng có hàng chục tác phẩm với khối lượng kiến thức khổng lồ cần ghi nhớ là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, các bạn cần sơ đồ hóa và tổng hợp các kiến thức cơ bản nhất để tối giản việc phải học thuộc lòng và tối đa hóa khả năng học hiểu và sáng tạo của mình. Điều này sẽ giúp cho hàng chục tác phẩm trong chương trình trở nên gọn gàng, hệ thống, dễ ghi nhớ và nhớ rất lâu.

Và với bí kíp cuối cùng để ghi nhớ thần tốc “ngữ văn chân kinh” là các bạn hãy làm những cách như: Treo Status trên Facebook bằng những câu thơ, hoặc những đoạn dẫn chứng khó nhớ; Thu âm lời bình hay vào điện thoại, thay vì vừa đi bộ vừa nghe nhạc thì hãy nghe giọng nói của chính mình; Nghe thật kỹ lời giảng của thầy cô, và đọc nhập tâm thay vì cố học thuộc lòng; Vận dụng các câu nói của nhân vật, các câu thơ vào tình huống giao tiếp thực tế trong cuộc sống...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.