Học nghề từ bậc tiểu học

02/05/2017 14:01 GMT+7

Do tính đặc thù, học sinh theo học các ngành năng khiếu, nghệ thuật rất sớm.

Học xong lớp 3 là nhiều học sinh đã thi vào trung cấp; trong 6 - 9 năm, học cùng lúc 2 trường để khi tốt nghiệp lớp 12 thì cũng đồng thời có bằng trung cấp.
Học xong lớp 12 là có nghề
Khánh Ly hiện mới học lớp 6 Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) nhưng đã là học sinh (HS) năm thứ 3 bậc trung cấp, Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Ly học trung cấp hệ 9 năm, vì thế nếu mọi chuyện thuận lợi thì 6 năm sau, khi tốt nghiệp THPT Ly cũng sẽ có tấm bằng trung cấp ngành biểu diễn piano.
Theo anh Quốc Khánh, bố của Ly, hiện nay mỗi tuần Ly học ở trường nhạc 3 tiết, chia thành 3 buổi, trong khi ở trường chính Ly chỉ học buổi sáng.
Ở lớp 6G Trường THCS Trưng Vương, Ly không phải là trường hợp cá biệt. Chẳng hạn Thư Hiên đang học năm thứ 2 trung cấp dài hạn Khoa Nhạc nhẹ (môn guitare) Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội.
Anh Khôi, phụ huynh của Thư Hiên, chia sẻ: “Con tôi học hệ 7 năm, yêu cầu độ tuổi đầu vào là học hết lớp 5, để khi học xong lớp 12 cũng học hết chương trình trung cấp. Nhưng mới học hết lớp 4 cháu đã thi và đỗ. Nhà trường vẫn cho cháu vào học nhưng gia đình phải làm giấy cam kết chỉ được nhận bằng trung cấp sau khi cháu đã có bằng tốt nghiệp THPT. Vì theo quy định, HS tốt nghiệp trung cấp phải có trình độ văn hóa tương đương THPT”.
Theo Khánh Ly và Thư Hiên, việc học trung cấp cũng không quá vất vả. Ở lớp, chủ yếu giáo viên hướng dẫn, nắn chỉnh cho trò các thao tác kỹ thuật. Việc tập luyện chủ yếu là ở nhà. Giáo viên khuyến cáo mỗi ngày dành thời gian luyện đàn khoảng 1 tiếng. Mỗi năm có 2 học kỳ, 4 kỳ thi. Cuối kỳ hoặc cuối năm, từng khoa sẽ tổ chức một buổi biểu diễn báo cáo kết quả học tập, tuy nhiên chỉ những HS giỏi nhất mới được chọn biểu diễn.

tin liên quan

Thí sinh chọn ngành công nghệ thông tin nhiều nhất
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, do đa số TS chọn xét tuyển khối A và D1 nên xu hướng chọn ngành nghề của TS nhiều ở khối ngành kỹ thuật, trong đó nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin...

Giờ học linh hoạt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều trường nghệ thuật đào tạo trình độ trung cấp với hệ ngắn hạn và dài hạn. Hệ ngắn hạn đào tạo 3 năm, đầu vào là HS tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp THPT. Hệ dài hạn gồm 6, 7 hoặc 9 năm, tùy theo nhạc cụ học. Thường ngành piano học hệ 9 năm, các nhạc cụ phương tây khác (guitare, violon, trống…) học hệ 7 năm, còn nhạc cụ dân tộc học 6 năm. Vì thế, lứa tuổi tuyển sinh của ngành piano là nhỏ nhất (8 tuổi, tức học hết lớp 3), các ngành còn lại là 10 - 11 tuổi.
Trong khoảng 4 - 7 năm đầu, HS sẽ cùng lúc học ở 2 trường, vừa theo học văn hóa ở trường phổ thông vừa học chuyên môn ở trường chuyên nghiệp. Sau khi đã có bằng tốt nghiệp THCS, HS có 2 lựa chọn, hoặc tiếp tục học đồng thời 2 trường hoặc đăng ký theo học văn hóa (hệ giáo dục thường xuyên) tại trường chuyên nghiệp mà mình đang theo học. Riêng với Học viện Âm nhạc VN, nhà trường tổ chức dạy văn hóa từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, theo học văn hóa ngay trong trường phần lớn là HS ở các tỉnh. Còn HS Hà Nội chủ yếu chọn mô hình đồng thời học 2 trường.

Do chương trình đào tạo kéo dài nên thời gian HS phải học ở các trường chuyên nghiệp của hệ trung cấp dài hạn không nhiều, trong khi chương trình chính khóa của các trường THCS và THPT ở Hà Nội hầu như chỉ học 1 buổi/ngày nên việc theo học thêm chương trình trung cấp ở các trường nghệ thuật rất thuận lợi.
Vào đầu năm học, phụ huynh và giáo viên sẽ trao đổi với nhau để thống nhất giờ học của con mình. Thông thường giáo viên sẽ đưa ra một loạt khung giờ để phụ huynh lựa chọn. Cô Thúy Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Nhạc nhẹ, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, cho biết: “Tinh thần của chúng tôi là khích lệ HS theo học nghệ thuật càng sớm càng tốt nên tạo điều kiện cho HS tối đa. Trong ngày làm việc hành chính, HS đến được lúc nào thầy cô sẵn sàng dạy lúc đó, kể cả giờ nghỉ trưa”.

Lường trước áp lực
Theo chị Đỗ Bích Thúy, phụ huynh có con học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, thế giới đã có nghiên cứu để đưa ra độ tuổi phù hợp nhất mà trẻ có thể theo học các ngành nghệ thuật. Chẳng hạn về xiếc, từ lúc các em còn nhỏ, khi xương còn chưa hoàn thiện, mới có thể theo học. Về âm nhạc, một số nhạc cụ như violon, piano, nếu trẻ đam mê và có năng khiếu thì cho học từ lúc càng nhỏ càng tốt.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi nhỏ như vậy, cùng lúc học 2 chương trình là rất nặng và khó tránh khỏi áp lực.
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, chia sẻ: “Trong quá trình học, các em bị rơi rụng rất nhiều. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự đam mê và khổ luyện, đồng thời cũng cần có năng khiếu. Chỉ cần thiếu kiên trì, thấy khó mà nản, không tìm được niềm vui thích thì sẽ không tiếp tục được”.
Chị Thúy cho rằng trước khi quyết định cho con theo đuổi nghề liên quan đến nghệ thuật như âm nhạc, xiếc...; phụ huynh cần nắm rõ năng khiếu, sở thích, khả năng của con mình đến đâu. Sau đó tìm hiểu kỹ chương trình học, hiểu được áp lực mà cả con và gia đình phải đối mặt suốt quá trình sau này.
Mỹ Quyên
Ý kiến
Nhiều hướng đi sau khi tốt nghiệp
Nhiều năm qua, Nhạc viện TP.HCM tuyển đối tượng tuổi từ 9 - 18 cho mọi bậc học. Trong đó, bậc trung cấp có các hệ 4, 6, 7 và 9 năm. Với hệ 9 năm, có 2 ngành piano và violon dành cho HS từ 9 - 13 tuổi. Trường có dạy chương trình văn hóa theo khung dành cho bậc trung cấp của Bộ GD-ĐT. Sau này các em cũng có thể tham dự kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Học xong chương trình trung cấp 9 năm là các em đạt độ tuổi lao động, có thể đi làm hoặc thi tiếp lên bậc ĐH trong nhạc viện hay đăng ký các trường ĐH khác.
NSƯT Tạ Minh Tâm 
(Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM)
Vừa học văn hóa vừa học nghề
Khi con tôi 7 tuổi, tôi đăng ký cho bé học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Trường có tổ chức học văn hóa nhưng tôi quyết định cho con học trường phổ thông bên ngoài vì muốn sau này cháu có thêm lựa chọn nếu muốn xét vào trường ĐH khác. Lịch học ở học viện rất linh hoạt, không xếp vào giờ học chính khóa nên khá thuận lợi.
Đỗ Bích Thúy 
(Phụ huynh có con học tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN)
Mỹ Quyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.