Học phí nhiều ĐH công cao hơn trường tư!

Hà Ánh
Hà Ánh
05/01/2019 08:15 GMT+7

Học phí các trường ĐH công lập hiện đang có nhiều mức khác nhau. Ngoại trừ mức trần học phí chương trình đại trà nhà nước quy định dành cho các trường ĐH công lập chưa thực hiện tự chủ thì nhiều chương trình đào tạo của trường công có học phí còn hơn trường tư

 
Chất lượng cao gấp 5 - 6 lần đại trà

Theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí (HP) đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, mức trần HP đối với chương trình đào tạo đại trà tại các cơ sở chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư trong năm học 2019 - 2020 sẽ từ 8,9 - 13 triệu đồng/năm (tùy khối ngành). Như vậy, mỗi tháng, sinh viên theo học tại các cơ sở này đóng từ 890.000 - 1,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh chương trình đại trà, ở hầu hết các trường ĐH công lập hiện nay đều có thêm chương trình khác với mức HP cao hơn nhiều lần như: chất lượng cao, tiên tiến, liên kết…
Chẳng hạn, năm 2019 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ tuyển sinh chương trình chất lượng cao với 5 ngành (báo chí, ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, quan hệ quốc tế, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành). HP các chương trình này dự kiến tăng 10%, từ 33 triệu đồng/năm (2018) lên 36 triệu đồng/năm (2019).
Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đưa ra mức HP dự kiến cho năm học 2019 - 2020 là 1.060.000 đồng/tháng. Nhưng với chương trình tiên tiến học phí thu 40 triệu đồng/năm, chương trình Việt - Pháp 38 - 40 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao từ 29,7 - 40 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng dự kiến HP chương trình chất lượng cao khoảng 49 triệu đồng/năm. Nếu so với HP chương trình đại trà 10,6 triệu đồng/năm thì chương trình chất lượng cao gần gấp 5 lần.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, HP chương trình đại trà hiện vẫn áp dụng theo mức trần quy định với trường chưa thực hiện tự chủ (10,6 triệu đồng/năm với các ngành kỹ thuật và công nghệ). Nhưng với chương trình chất lượng cao học hoàn toàn bằng tiếng Anh, HP lên tới 30 triệu đồng/học kỳ. Như vậy, sự chênh lệch HP cùng một ngành ở 2 chương trình lên gấp gần 6 lần.

Học phí trường tự chủ lên tới 46 triệu đồng/năm

Với các trường ĐH công đã được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo đề án tự chủ, mức HP thu ngay với chương trình đại trà cũng cao hơn nhiều so với mức trần quy định trường chưa tự chủ.
Theo Nghị định 86, mức trần HP với các chương trình đại trà tại các đơn vị thực hiện tự chủ trong năm học 2019 - 2020 từ 18,5 - 46 triệu đồng/năm tùy khối ngành. Trên cơ sở này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết HP năm 2019 với chương trình đại trà khoảng 16,5 - 18,5 triệu đồng/năm. Với chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt 27 - 28 triệu đồng/năm và chất lượng cao tiếng Anh 30 triệu đồng/năm.
Mức HP cho trường thực hiện đề án tự chủ đang áp dụng với hàng loạt trường ĐH khác, như: Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Tài chính - Marketing, Mở TP.HCM, Kinh tế quốc dân…
Dù đề án tự chủ chưa chính thức được thông qua nhưng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố mức HP dự kiến năm học 2019 - 2020 chương trình chính quy 18 triệu đồng/năm, văn bằng 2 và chất lượng cao 30 triệu đồng/năm và tiên tiến 40 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang trình đề án tự chủ chờ UBND TP.HCM thông qua. Theo mức HP dự kiến khi thực hiện đề án tự chủ từ năm học 2018 - 2019, thí sinh có hộ khẩu TP.HCM từ 11,8 - 30 triệu đồng/năm và thí sinh có hộ khẩu nơi khác 25 - 44 triệu đồng/năm tùy ngành.
Trước đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện tự chủ nhiều năm nay, HP các chương trình do trường cấp bằng khoảng 42 triệu đồng/năm; chương trình do ĐH đối tác cấp bằng giai đoạn 1 học tại VN 56 triệu đồng/năm và giai đoạn 2 theo chính sách trường đối tác.
Trường tư thục tăng tối đa 10%
Đại diện các trường ngoài công lập cho biết HP năm 2019 không tăng hoặc tăng tối đa 10%. Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, HP dự kiến năm 2019 khoảng 500.000 đồng/tín chỉ (16 triệu đồng/năm).
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM khoảng 30 triệu đồng/năm và dự kiến mức tăng HP không quá 5%. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM khoảng 60 triệu đồng/năm và duy trì ổn định hoặc tăng không quá 5%.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang, cho biết HP năm nay dự kiến tăng khoảng 5 - 7% và giữ nguyên toàn khóa học. Theo đó, học phí các ngành sức khỏe tăng từ 36 lên 40 triệu đồng/năm, ngành thấp nhất từ 28 lên 30 triệu đồng/năm. “Ngoài học phí này, trường không thu thêm lệ phí khác. Sinh viên nếu đóng trước 2 năm hoặc toàn khóa trường sẽ có chính sách giảm HP”, thạc sĩ Tuấn thông tin.
Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng dự kiến không tăng học phí so với năm 2018 (8 - 10 triệu đồng/học kỳ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.