Học sinh chông chênh vì áp lực

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
13/04/2018 08:26 GMT+7

Sự việc một nam sinh lớp 10 tự tử tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) ngày 10.4 vừa qua làm bùng phát cuộc tranh cãi về phương pháp giáo dục, về cách cha mẹ gây áp lực cho con trong việc học.

Không đáp ứng kỳ vọng của gia đình
Sự việc này diễn ra vào khoảng 5 giờ 15 phút sáng 10.4 tại cơ sở 3A (T15 Mai Lão Bạng, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lúc này, học sinh (HS) của cơ sở 3A đang chào cờ. Ngoài chào cờ, trường còn tổ chức trao giải cho HS đoạt giải cuộc thi robot cấp thành phố vừa qua.
Đột nhiên, các thầy giáo nội trú phát hiện T.T.C (HS lớp 10E3) đứng trên mái tôn lầu 4. Các thầy giáo đến khuyên nhủ nhưng C. không nghe lời. Sau đó, hai bạn thân của C. lên trên để khuyên thì C. xích vào trong được một khoảng. Khi mọi người tưởng em đã từ bỏ ý định tự tử thì C. đột ngột cười lên rồi khóc, sau đó chạy băng ra phía ngoài gieo mình xuống dưới. Khi C. đang ở trên mái tôn, các thầy cô trong trường đã lấy các tấm nệm dùng để tập thể dục trải phía dưới sân trường. Tuy nhiên, vì em chạy băng ra phía trước nên va vào cành cây cao, làm đổi hướng, khiến mọi sự chuẩn bị thành vô nghĩa. Thầy cô nhanh chóng đưa C. đến bệnh viện nhưng em không qua khỏi.
Theo ông Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, C. có để 2 bức thư gửi lại cho ba mẹ và cho lớp. Theo đó, C. cho biết quá áp lực vì không đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của gia đình với mình.
Học sinh hiện nay đang gặp nhiều áp lực trong học hành, thi cử Ảnh: Đào Ngọc Thạch

C. không phải là trường hợp duy nhất. Thời gian gần đây có nhiều HS tự tử vì áp lực học hành. Trước thực tế này, nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, nói: “Con bạn không nhất thiết phải học giỏi nhất khối để trở thành người thành công trong cuộc sống. Con bạn không cần phải kiếm được một công việc nhàn hạ lương cao để hạnh phúc. Xin đừng lấy thành tích học tập của con để đo mức độ thành công trong việc giáo dục con và là định lượng cho phúc đức gia đình nữa. Xin đừng ép con học để đạt HS giỏi, thi đậu trường chuyên, đạt được nhiều giải thưởng chỉ vì sĩ diện của cha mẹ nữa. Điểm số chỉ có ý nghĩa trong một năm học mà thôi. Những con điểm ấy không đi theo con chúng ta suốt đời và không đánh giá được nhân cách và tài năng của con chúng ta”.
Môi trường giáo dục hà khắc?
Trong vài ngày qua, rất nhiều người lên tiếng phản ứng về phương pháp giáo dục của Trường THPT Nguyễn Khuyến. Một cựu HS cho biết học từ lớp 6 - 10 nhưng “chịu không nổi” nên em đành ra ngoài học bán công. Tuy trường có rất nhiều điểm tốt dành riêng cho HS bất trị nhưng quả là áp lực rất lớn từ quản nhiệm, giám thị, chủ nhiệm lớp...
Ngày 12.4, ông Lê Trọng Tín đã thẳng thắn trả lời Thanh Niên về việc từ câu chuyện đau lòng này đã gây ra tranh luận về phương pháp giáo dục của nhà trường. Đó là áp dụng kỷ luật “sắt”, học nặng để đạt được mục đích trúng tuyển ĐH. Ông Tín cho biết việc trường áp dụng kỷ luật nghiêm là thực tế ai cũng biết. HS học 2 buổi, khi về khu nội trú cũng học tiếp.
Mục đích của nhà trường xuất phát từ nhiều phía. Một là phụ huynh mong muốn con em mình đi vào nền nếp, học giỏi để đậu ĐH. Thứ hai là việc giảng dạy tại trường so với trường bạn thì thời gian, kiến thức có nhiều hơn. Các em tuổi cũng còn nhỏ, chưa hiểu được ba mẹ, nhà trường lo cho mình, xem việc học quá nặng nề, dẫn đến áp lực cho các em.
“Giáo dục có nhiều phương pháp. Không có phương pháp nào trọn vẹn hết 100% ưu điểm. Dù có nhiều mặt mạnh thì cũng sẽ có những mặt cần cân nhắc suy nghĩ. Trường không giấu gì chuyện này. Đây là sự thật ai cũng biết. Đại bộ phận các em thích nghi được cảm thấy thoải mái. Nhưng trong đó cũng thấy là trường chăm sóc chưa toàn diện. Một số em thấy nặng nề quá. Lẽ ra đối với những em này phải kịp thời động viên, hỗ trợ, chăm sóc kỹ càng hơn. Trường chưa làm được bao nhiêu”, ông Tín cho biết.
Thời gian qua tình trạng HS trầm cảm rồi tự tử từ áp lực học tập diễn ra ở rất nhiều trường, nhiều địa phương.
Nhà giáo Nguyễn Quốc Vương, giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng nhận thức mù mờ về triết lý - mục tiêu giáo dục đã khiến cho giáo dục trường học quay cuồng trong triền miên các cuộc cải cách, mà hầu hết các cuộc cải cách đó là… cải cách thi. “Nó đã biến đời sống trường học sống động, phong phú và đầy màu sắc thành một màu xám xịt đầy âu lo với nỗi lo bài tập về nhà và thi cử. Nó cũng biến thành “hố đen” hút tất cả mối quan tâm và năng lượng của phụ huynh vào đó. Phụ huynh thay vì suy ngẫm xem mình muốn con mình trở thành người như thế nào đã cuống cuồng lo lắng xem con hôm nay được điểm gì, cuối kỳ đứng thứ bao nhiêu, có được học sinh giỏi không?”, ông Vương nói.
 
Hạnh phúc được là chính mình
Tiến sĩ xã hội học - tâm lý học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, cho biết khi làm khảo sát 447 phụ huynh với câu hỏi mong đợi gì theo nhiều tiêu chí thì hầu hết đều muốn con hạnh phúc. Nhưng nhiều phụ huynh lại đang hành động ngược lại. Hãy nhớ hạnh phúc là khi con được là chính mình, được phát huy tiềm năng, không cần làm điều không thích, được thỏa mãn nhu cầu yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, thể hiện quan điểm, làm điều con muốn làm. Nếu nhìn thấy nụ cười của con, niềm vui của con thì phụ huynh đã làm đúng. Quan trọng không phải là những lời nói bên ngoài mà là cảm nhận của con mình, chấp nhận con là đứa trẻ như chính bản thân con.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng cần phải có triết lý giáo dục rõ ràng hơn, thay đổi hướng tiếp cận, cách thực thi... để mỗi người học cảm thấy hạnh phúc với việc học của họ.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc Ernst & Young, cho biết hồi còn học ở trường chuyên, nỗi sợ lớn nhất của ông là sợ thất bại. Mặc dù trong nhóm đứng đầu ở lớp, nhưng bản thân ông cũng luôn cảm thấy áp lực phấn đấu. Khi mà kỳ vọng của rất nhiều người đặt lên vai mình, từ bạn bè, cha mẹ và chính mình, khi mà cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh việc học mà không còn điều gì khác lớn hơn, điều này có thể làm sụp đổ một đứa trẻ.
Tiến sĩ Toàn cho rằng vấn đề quan trọng là việc "cảm thấy về mình" thế nào so với những người khác quyết định đáng kể đến động lực học tập và phấn đấu trong cuộc sống của con người. Bạn sẽ cảm thấy nản lòng và chán nếu mình luôn cảm thấy thấp kém so với bạn cùng trang lứa ở môi trường mình học. Động lực học sẽ mất đi và nhường chỗ cho áp lực và căng thẳng. Nhiều khi chính những áp lực đấy sẽ giết chết sự sáng tạo, đam mê và niềm vui học tập của một đứa trẻ. Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 30% những HS đứng đầu khóa học sẽ thực sự thành công, số 30% cuối cùng thường sẽ cảm thấy mình yếu kém so với bạn cùng lớp và do đó có áp lực nặng nề lên chính mình. Việc tìm cách bằng mọi giá đẩy con mình vào một ngôi trường toàn những người xuất sắc, với hy vọng và niềm tự hào lớn lao, nhiều phụ huynh đã vô tình biến con mình trở thành “tầm thường” hay chậm chí “ngu ngốc” và tước đoạt đi của con ước mơ lớn. Đáng ra con có thể trở thành kỹ sư, nhà khoa học, chính trị gia... nhưng lại trở thành một người tuyệt vọng, mất niềm tin vào chính mình.
Ý kiến
Xem lại phương pháp dạy học
Tôi cũng có con đang theo học tại Trường THPT Nguyễn Khuyến. Tôi thấy cách dạy của nhà trường rất nghiêm và bắt các cháu học rất nhiều. Tôi nghĩ qua sự việc này nhà trường nên xem xét lại cách dạy của mình cho phù hợp.
Nguyễn Văn Thái (Phụ huynh ở Khánh Hòa)
Cần vượt qua chính áp lực bản thân
Môi trường nào cũng có áp lực, chỉ là chúng ta có vượt qua được áp lực chính bản thân mình hay không thôi. Nhà trường, cha mẹ ai cũng mong muốn cho con và HS mình thành những người giỏi. Vậy nên cần phải có những khuyên răn, học tập, điểm số, quy tắc, kỷ luật... đối với HS. Nếu cứ thả lỏng, không có một hình thức áp lực nào, HS có nên người không? Chúng ta đừng đổ lỗi cho nhà trường, cho cha mẹ nữa. Chẳng qua HS này không vượt qua nổi những áp lực thôi.
Vũ Phạm Ngọc Lan (Phụ huynh ở TP.HCM)
Cha mẹ đừng khoán trắng cho nhà trường
Lỗi này cũng do cha mẹ HS khoán con cho nhà trường và muốn con phải có thành tích cao trong trường thì mới vừa lòng. Họ có biết đâu tâm sinh lý của con trẻ, chúng cần gì và sức học của chúng chỉ đến thế thôi.
Kim Ngọc (Phụ huynh ở Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.