Học sinh chông chênh vì áp lực: Nguy hiểm từ so sánh

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
13/04/2018 08:52 GMT+7

Tại buổi trò chuyện 'Học sinh và áp lực học tập: từ trầm cảm đến tự tử' do Báo Thanh Niên tổ chức tối qua, các chuyên gia đã đưa ra những câu chuyện, lời khuyên rất đơn giản nhưng giúp trẻ tìm được niềm vui trong học tập, cuộc sống.

Tại buổi trò chuyện “Học sinh và áp lực học tập: từ trầm cảm đến tự tử” do Báo Thanh Niên tổ chức tối qua, các chuyên gia đã đưa ra những câu chuyện, lời khuyên rất đơn giản nhưng giúp trẻ tìm được niềm vui trong học tập, cuộc sống.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, người lớn nhiều kinh nghiệm sống, trải nghiệm, kiến thức, trách nhiệm mà còn có lúc cảm thấy ngã lòng, mệt mỏi, muốn ngã gục thì các em đang ở tuổi dậy thì, có biến đổi phức tạp về tâm sinh lý, cơ thể bên trong cũng như bên ngoài sẽ làm các em chông chênh hơn người lớn nhiều lần, sức chịu đựng không đủ chống chọi trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thu Hà, Báo Sinh viên VN và Hoa học trò, một người được biết đến vì giảm tải áp lực cho con, cho biết việc giảm tải cho con nằm ngay định nghĩa về việc học của UNESCO: học để biết, để làm, để chung sống, để làm người. “Nhìn rộng vậy thì sẽ không quá nặng, lo lắng con được bao nhiêu điểm, so sánh với con người ta, đứng thứ hạng mấy”, chị Hà cho biết.
Chị Hà nói: “Tôi có lẽ là phụ huynh duy nhất trong toàn khối không cho con học trước, không học thêm, không hỏi bài tập thế nào, thi thế nào, không so sánh các bạn. Việc học rất rộng và rất dài. Đừng quá nặng nề, đừng gồng hết sức cho những bước đầu tiên”.
Tiến sĩ Thúy cũng cho biết đã đấu tranh rất nhiều chuyện không cho con đi học thêm khi thấy người khác chạy đua ghê quá. Nhưng may mắn là kinh nghiệm giúp chị dừng lại, bằng lòng với niềm vui nhỏ, giúp chị không chạy theo phong trào.
Theo chị Hà, trẻ đi học bây giờ có nhiều áp lực từ điểm số, so sánh… “Trên đời không ai giống nhau, mỗi đứa trẻ có năng lực khác nhau. Nhìn vào 1 - 2 thành tích trẻ này so sánh trẻ khác là bất công. Áp lực so sánh làm đứa trẻ tổn thương, mất giá trị, không bằng bạn bè, mất tự tin, không dám nghĩ, dám làm, không dám bày tỏ, sợ mọi người chê cười. Chúng ta đã cắt đi niềm vui, niềm bày tỏ của trẻ. Hậu quả của nó rất lớn. Một là làm đứa trẻ thu mình vào vỏ ốc, hai là nổi loạn, ghen tị với anh - em hay bạn bè, tạo ra cuộc chiến giữa trẻ với nhau”, chị Hà nhấn mạnh.
Còn theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, ở phương Tây, thường so sánh đứa trẻ với chính nó: hôm nay đứa trẻ bước 3 bước, hơn hôm qua 2 bước. Điều này làm cho đứa trẻ nhìn nhận lại bản thân, luôn nỗ lực hơn chút xíu là điều tốt. Nhưng nếu so sánh trẻ làm điều không thích, không muốn, không phù hợp năng lực thì là áp lực kinh khủng nhất. Theo chị Hà, những trẻ ngoan, hiền, học giỏi dễ bị trầm cảm, tìm đến cái chết. Các thầy cô giáo hãy tinh tế hơn với học sinh ngoan hiền, học giỏi.
Hồi chuông báo động
Theo số liệu điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2010 - 2015 , HS có ý định tự tử là 16,9%, trong đó 21,8% phải điều trị tại bệnh viện. Một điều tra khác của Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, trong 3.000 HS tại Hà Nội từ 10 - 16 tuổi có hơn 19% có vấn đề sức khỏe tâm thần, 9% HS có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch trước cái chết.
Tuy nhiên hậu quả kéo dài hơn, đau đớn hơn là vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều HS đã phải đến phòng khám tâm lý vì bị trầm cảm, rối loạn xúc cảm, rối loạn hành vi… Đây là một hồi chuông báo động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.