Khác với năm ngoái, năm nay nhà trường và học sinh đã có sự chuẩn bị về tinh thần và các khâu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt hơn. Tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng do tình hình dịch bệnh sát ngày thi nên mọi thứ bỗng trở nên căng thẳng, cả thầy cô và học sinh không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.
Sẵn sàng học, thi chung với dịch
Rút kinh nghiệm của năm ngoái khi dịch bệnh lần đầu xuất hiện, đa số học sinh đều bị bối rối trong một khoảng thời gian dài sau tết, năm nay, hầu hết các thầy cô và học sinh lớp 12 đều chuẩn bị những biện pháp ứng phó nhất định, đưa ra lộ trình và phương án ôn thi phù hợp để sẵn sàng học chung với dịch.
Cụ thể, nhiều học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình học trước đó và trong tâm thế ôn thi tốt nghiệp THPT sớm.
Thanh Hương, học sinh lớp 12 trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM), cho biết: “Các thầy cô luôn trong tinh thần sẽ học trực tuyến bất kỳ lúc nào, em đã được học hết chương trình trên lớp sớm để đảm bảo đủ kiến thức cho kỳ thi.” Hiện tại, Hương chỉ cần tự ôn tập thêm. Các bạn lớp 12 năm nay cũng đã quen với việc học trực tuyến do đã có một năm “trải nghiệm”, tinh thần tự học cũng được rèn luyện từ trước.
Một số trường ngay trong giai đoạn đầu khi đợt bùng dịch lần thứ hai, đã có những biện pháp phòng dịch sớm. Hương cũng chia sẻ, trường chia mỗi lớp thành hai phòng và thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt nhất trong thời gian còn đi học tại trường.
So với năm ngoái, năm nay các hình thức học trực tuyến đã phổ biến hơn rất nhiều. Học sinh và cả giáo viên cũng đã có sự chủ động hơn trong việc tiếp cận các công cụ hỗ trợ, các ứng dụng học từ xa.
|
Không biết có được thi tốt nghiệp đúng lịch của Bộ GD-ĐT?
Do dịch bùng phát mạnh vào thời điểm cuối năm học, nhiều hoạt động mang tính kỷ niệm của học sinh bị huỷ đột ngột. Nhất là đối với các bạn lớp 12, việc không thể tổ chức lễ tri ân, lễ tốt nghiệp là một thiệt thòi lớn, chưa kể đến các hoạt động cuối cấp như trại, đêm nhạc, tiệc tùng hay thậm chí là chụp ảnh kỷ yếu đều không thể diễn ra.
Phương Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), tâm sự: “Sự kiện Cầu Vồng Gia Định năm nay đã bị huỷ do tình hình dịch bệnh, nhà trường cũng thông báo ngày nghỉ bất ngờ nên em và thầy cô, các bạn chưa có dịp chia tay.”
Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước so với năm ngoái, thế nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Đặc biệt trong tình hình dịch căng thẳng với các trường hợp lây nhiễm cộng đồng nhiều ở TP.HCM. Các học sinh hoang mang không biết liệu lịch thi có bị dời hay không. Việc kéo dài thời gian ôn thi cũng ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, khiến học sinh dễ chán nản và mệt mỏi. Chưa kể đến trường hợp nếu phải chia thành nhiều đợt thi, cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả và cách xét tuyển của các trường đại học.
Cách xét tuyển của các trường đại học đã ổn chưa?
Không như lúc trước, các trường đại học chỉ tập trung xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, vài năm gần đây, đặc biệt là kể từ năm ngoái, hầu hết các trường đại học đã mở rộng “cánh cửa” bằng việc bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác. Điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn chiếm một lượng chỉ tiêu trung bình khoảng 50% so với tổng chỉ tiêu.
|
Tuy nhiên, theo nhiều học sinh lớp 12, việc đưa ra nhiều phương án xét tuyển cũng cần nghiên cứu kỹ càng để đảm bảo công bằng cho các học sinh. Việc xét tuyển quá dễ cho những học sinh có IELTS hay học bạ đẹp “siêu thực” cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc. Có thể xét học bạ tích hợp với những điều kiện khác như ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động xã hội hay xét kèm với phỏng vấn, viết luận, làm sản phẩm. Những yếu tố đi kèm cũng giúp trường đại học có một cái nhìn tổng quát về học sinh hơn là chỉ nhìn vào những con số.
Có thể thấy, trong tình hình hiện tại, dù có dịch bệnh hay không thì các trường đại học cũng cần phải đổi mới phương án tuyển sinh để bắt kịp với xu hướng của thế giới. Không nên quá đặt nặng vào điểm số mà cần phải chú trọng vào kỹ năng, nhận thức và nhân cách của sinh viên tương lai.
Bình luận (0)