Lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo
Trong cuộc kiểm tra chất lượng đầu năm tại Trường THCS Nguyễn Hoàng, các giáo viên chủ nhiệm khối lớp 6 rất ngạc nhiên khi thấy một số học sinh vò đầu bứt tai với những bài đọc đơn giản trong sách tiếng Việt. Thử nghiệm, theo dõi, cuối cùng các thầy cô thống nhất đưa 17 em trong diện "trình độ thấp" theo học tăng ca nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức.
Các buổi chiều thứ tư, năm, bảy hằng tuần, áo trắng khăn quàng đỏ, các em tập trung tại phòng thư viện trường học theo chế độ riêng. Đỗ T.N.H, cô bé có gương mặt xinh xắn ngồi bàn đầu được thầy giáo gọi đứng dậy đọc bài Treo biển. Câu đầu H. đọc rất trôi chảy nhưng đến câu thứ hai, thứ ba, cứ vài chữ em khựng lại nhẩm vần hoặc đọc sai từ. H. cho biết điểm các môn Tiếng Việt và Toán của em chỉ trên trung bình, hôm nay đọc không được trôi chảy là vì thấy có người lạ nên run (!). Có một điều lạ là H. không biết tại sao mình được "đưa" vào học lớp bồi dưỡng đặc biệt này, chỉ nghe giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở là em xách cặp đến lớp. Dù chứng kiến trình độ học sinh lớp mình chẳng giống ai nhưng nhiều giáo viên đứng lớp đặc biệt này vẫn khẳng định em là người khá so với các bạn khác !
Nguyễn H.Th học lớp 6/5, em là học sinh đặc biệt được giáo viên kèm riêng và ngồi bàn cuối cùng trong phòng học. Mặc dù đã trải qua tuần thứ 7 học bồi dưỡng nhưng Th. vẫn đang tiếp tục nhận diện chữ cái và tập đánh vần. Chỉ với từ "nhảy dây" nhưng mất 15 phút khổ sở tra bảng chữ cái, em mới phát âm hoàn chỉnh.
Trần V.T, học sinh lớp 6/3 thú nhận lúc lên lớp 3 em vẫn không biết đọc, hiện tại em chưa thuộc bảng cửu chương 8. Mỗi lần làm tập làm văn, em lấy sách hướng dẫn và chép lại nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Cũng giống như T., Huỳnh T.Nh là con út trong một gia đình lao động nghèo: ba làm thợ mộc, mẹ ở nhà nội trợ. Hỏi về quá trình học cấp I ở Trường tiểu học số 2 Kim Long, em cho biết: "Môn Tiếng Việt cháu đọc còn chậm, cửu chương cháu nhớ không rõ lắm. Từ khi tham gia lớp bồi dưỡng này thầy cô kèm cháu đọc được rồi". Kiểm tra trình độ đọc và đánh vần của Nh. thấy tạm chấp nhận so với mặt bằng của lớp, tôi chuyển qua kiểm tra bảng cửu chương thì... ôi thôi: 8 x 8 = 36, 9 x 7 = 42, 3 x 4 =16... Nh. vừa đáp vừa gãi đầu lúng túng.
Hậu quả của "không nỡ..."
Lớp phụ đạo học đánh vần ở thư viện trường |
Cô Trần Thị Xuân Phượng, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Hoàng cho biết: "Gửi các em yếu kém về lại trường thì không nỡ nhưng để các em như vậy thì bất ổn. Chúng tôi chẳng còn cách nào khác là phải giải quyết "hậu quả" bằng cách mở lớp bồi dưỡng kiến thức mong cải thiện tình hình". Dẫu biết đọc, biết viết nhưng liệu các em có tăng tốc theo kịp các bạn cùng trang lứa hay cũng vì "không nỡ" mà các thầy cô lại tiếp tục cho các em lên "một tầm cao mới" ? Cùng với căn bệnh chạy đua thành tích, lỗ hổng kiến thức của các em ngày một lớn thêm.
Trước đó, Trường THCS Thủy Thanh (huyện Hương Thủy) cũng đã phát hiện có 16 học sinh lớp 6 chưa thoát "nạn mù chữ". Ông Lương Quang Trí, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong đợt khảo sát chất lượng đầu năm 2006-2007, giáo viên trường đã giật mình khi phát hiện có 16 học sinh lớp 6 vẫn chưa đọc thông viết thạo. Khi kiểm tra bằng hình thức vấn đáp bài Tôi đi học của cố nhà văn Thanh Tịnh, nhiều em đã phải vất vả đánh vần từng chữ một. Thậm chí có em chỉ đánh vần được dòng đầu tiên! Bảng cửu chương thì hầu hết chỉ thuộc đến bảng nhân 3. Ông Phan Tứ, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, xót xa: "Năm học này, Trường THCS Thủy Thanh có 16 học sinh học lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết. Nói chính xác là chỉ biết đánh vần". Đây là ngôi trường chỉ cách TP Huế khoảng 10 km, có tỷ lệ 12,7% học sinh lớp 6 không thuộc hết bảng cửu chương và phải đánh vần vất vả môn tiếng Việt!
Và theo chúng tôi được biết, hiện nay tại Thừa Thiên - Huế, không chỉ có Trường THCS Thủy Thanh, Trường THCS Nguyễn Hoàng mà còn rất nhiều trường khác sau khi đón học sinh lớp 6 vào năm học mới cũng đã có tình trạng chưa đọc thông viết thạo như trên. Nguyên nhân là các trường ở bậc tiểu học vì thành tích đã cho tất cả các em yếu kém được đủ điều kiện để chuyển lên bậc THCS. Để giải bài toán "ngồi nhầm chỗ" này của học sinh, hầu hết các trường THCS đều không còn cách nào khác ngoài tổ chức phụ đạo, học tăng ca... để bồi dưỡng kiến thức cho các em. Ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế có lẽ nên xem lại chất lượng giáo dục thật sự của mình, thay vì năm nào cũng đưa vào báo cáo trên 90% học sinh tiểu học đủ điều kiện tốt nghiệp, lên lớp 6 !
B.N.L - H.Đ
Bình luận (0)