Học sinh ngơ ngác khi ra trường

18/12/2009 23:01 GMT+7

Đó là lời thú nhận của hầu hết những học sinh (HS) đã tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) có mặt trong buổi gặp gỡ gần đây do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.

Bạn Tôn Nữ Bội Ngọc, cựu HS bậc TCCN trường CĐ Kinh tế TP.HCM (học ngành Quản trị kinh doanh) kể: “Bọn em được học rất nhiều nhưng không chuyên sâu vào một kiến thức cụ thể. Khi em đi thực tập ở Ngân hàng Phương Nam, em không biết làm gì và không làm được việc gì ngoài việc theo dõi tỷ giá mỗi ngày và thống kê số liệu để làm báo cáo thực tập”. Đồng tình với ý kiến này, một cựu HS tên H.Dũng học bậc TCCN trường CĐ Phú Lâm phản ánh: “Em thấy bậc học này phải học lý thuyết nhiều, có những môn em thấy không cần thiết, không áp dụng được. Thực hành ở trường chỉ là những mô phỏng không sát với thực tế lắm nên khi đi làm rất ngơ ngác”.

Với yêu cầu của bậc học này là thực hành phải chiếm 50 - 70% thời lượng khóa học, nhưng trên thực tế, phần lớn HS lại than phiền thực hành quá ít, lý thuyết quá nhiều và không tập trung. Thêm nữa, hầu hết trang thiết bị, máy móc của các trường đều cũ kỹ, lạc hậu, không cập nhật được những công nghệ mới. HS Đặng Văn Lực, trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn lấy ví dụ: “Chẳng hạn ngành sửa chữa ô tô, các bạn vẫn phải thực hành trên những chiếc ô tô cổ lỗ sĩ, trong khi hiện nay có bao nhiêu loại xe đời mới với công nghệ tiên tiến ra đời. Nếu vậy ra trường làm sao tụi em bắt kịp với thực tế?”.

Một lý do để HS học TCCN đi thực tập cảm thấy “không biết làm gì” và ngơ ngác khi đi làm, theo Cẩm Vân - cựu HS trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn - đó là ở trường, HS không được tiếp cận với phương pháp học hiệu quả, ít được tham gia các lớp chuyên đề do chính những chuyên gia có kinh nghiệm trong thực tế giảng dạy. Các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, cách sắp xếp thời gian, lập kế hoạch, văn hóa giao tiếp... không hề được trang bị.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định: “Hiện nay, các bạn trẻ có quá nhiều điều kiện thuận lợi trong việc học với những công cụ hỗ trợ đắc lực như internet, công nghệ thông tin... HS có thể tự học hỏi tìm tòi, tra cứu tài liệu trên mạng rất nhanh. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay tiền đóng học phí. Do đó để học tốt, các bạn cũng nên phát huy tính chủ động”.

 Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.