Học sinh quan tâm đến các kỳ thi đánh giá năng lực

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
24/02/2019 06:51 GMT+7

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 23.2 tại tỉnh An Giang, nhiều học sinh thắc mắc về kỳ thi đánh giá năng lực của các trường bên cạnh thông tin về kỳ thi THPT quốc gia.

Chương trình được truyền hình trực tuyến qua thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnienYouTube Thanh Niên.

Thêm phương thức, tăng cơ hội

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Văn phòng Tỉnh ủy An Giang, Công an tỉnh An Giang, Thành ủy Long Xuyên (An Giang), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP.Long Xuyên (An Giang), Công ty TNHH  Anh Khoa (Cà Mau), Công ty CP Gentraco (Cần Thơ), Công ty TNHH MTV thương mại tổng hợp KC (Cần Thơ)... đã hỗ trợ thực hiện chương trình.
Cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các HS; Cảm ơn Công ty du lịch Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn
Đặt câu hỏi tại buổi tư vấn, Nguyễn Đăng Khoa, học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Hiền, thắc mắc: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay có trường nào sử dụng kết quả để xét tuyển và kết quả này được xét tuyển vào những ngành nào?
Đại diện cho ĐH Quốc gia TP.HCM, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: Theo thông tin mới nhất, hiện nay đã có đến hơn 12.000 hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (kết thúc đăng ký ngày 28.2). Như vậy rất nhiều thí sinh đã biết cách sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh có thể sử dụng điểm của kỳ thi này để xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM và 20 trường tham gia sử dụng kết quả thi này.
Một thông tin khá mới cũng được thạc sĩ Hồ Nhã Phong, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH An Giang, chia sẻ cho HS trong buổi tư vấn. Đó là ngoài các địa điểm tổ chức thi trước kia như TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, năm nay thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực có thể thi ngay tại Trường ĐH An Giang chứ không cần di chuyển xa.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo của Trường ĐH Việt Đức, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của trường sẽ tổ chức từ ngày 18 - 19.5. Đây là kỳ thi sử dụng bài thi TestAS hiện đang áp dụng cho HS toàn thế giới.
Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ áp dụng bài kiểm tra năng lực để cộng vào điểm xét vào trường. Cụ thể, bài kiểm tra này chiếm 30% điểm, còn lại điểm học bạ chiếm 10%, điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 60%. Khi cộng
3 cột điểm lại sẽ ra điểm trúng tuyển của trường. Trường chỉ áp dụng riêng kết quả tại trường mà không áp dụng cho trường khác. Đề kiểm tra gồm 100 câu trắc nghiệm, thi trong vòng 75 phút gồm kiến thức pháp luật cơ bản, kiến thức xã hội, tư duy logic và IQ, kỹ năng tiếng Việt.

Chất lượng cao và đại trà khác nhau ra sao ?

Một HS hỏi: Học ngành công nghệ thông tin hệ đại trà chứ không phải chất lượng cao thì có cơ hội tiếp cận để làm việc tại các công ty nước ngoài không?
Thạc sĩ Trần Vũ cho biết tại trường có cả chương trình đại trà và chất lượng cao cho ngành này. Hai chương trình học hai môi trường khác nhau nhưng cùng chương trình đào tạo, cơ hội kết nối doanh nghiệp như nhau. Lý do có sự ra đời của hệ chất lượng cao là để sinh viên có điều kiện học tập với cơ sở vật chất tốt hơn, có dự án, giáo trình khác, quy mô lớp nhỏ, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm hơn.
Điểm lợi thế của chương trình chất lượng cao là quy mô lớp nhỏ nên khả năng tiếp cận tiếng Anh, giáo trình dễ hơn một chút, chứ không phải hệ đại trà không có cơ hội tiếp cận công ty nước ngoài làm việc. Điều này còn phụ thuộc vào chính bản thân của sinh viên.
Liên quan đến nhu cầu ngành công nghệ thông tin, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, bổ sung: “Hiện nay hầu như tất cả các trường khối kỹ thuật đều có đào tạo ngành công nghệ thông tin. Theo đặc thù mỗi trường, nhất là ở phần chuyên sâu cuối khóa, tùy mỗi trường sẽ hướng lĩnh vực cụ thể trong khối ngành này cho sinh viên. Nhu cầu nhân lực ngành này cũng đang rất cao. Học chương trình đại trà cũng có rất nhiều cơ hội tiếp cận đơn vị sản xuất bên ngoài nếu có nhu cầu tuyển người”. Theo tiến sĩ Anh Vũ, hiện nay ngành công nghệ thông tin là mũi nhọn của quốc gia. Vì vậy, Bộ
GD-ĐT cho phép khi sinh viên đang học ngành học khác, nếu có nhu cầu, có thể đăng ký để chuyển qua học ngành công nghệ thông tin.

Học gì dạy học sinh tự kỷ ?

Một HS đặt câu hỏi về việc muốn học sư phạm để ra trường dạy HS khuyết tật, tự kỷ khiến các chuyên gia cảm động.
Thạc sĩ Hồ Nhã Phong chia sẻ, hiện nay tại trường có 2 ngành có thể dạy các HS đặc biệt này là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Trong chương trình có học phần giáo dục hòa nhập, trong đó chỉ cách sinh viên nhận biết trẻ tự kỷ, qua đó hỗ trợ sớm cho các em. Sau đó, sinh viên ra trường có thể tìm hiểu, học tập thêm để xin về dạy tại các cơ sở chuyên biệt. Nếu muốn học chuyên sâu hơn, HS có thể học tại ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ngành này chuyên tập trung để đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật...
Giải đáp câu hỏi của HS liên quan đến ngành công nghệ thực phẩm, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết ngành đào tạo lâu đời nhất là ở Trường ĐH Cần Thơ vì khu vực ĐBSCL chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. PGS-TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho biết ngành này ra đời trước cả ngành công nghệ sau thu hoạch. Ngành này được đào tạo ở rất nhiều trường. Ở khu vực ĐBSCL, với sản lượng nông thủy sản quá lớn, ngành công nghệ sau thu hoạch ra đời để chế biến thực phẩm. Ngoài ra, vì có đến 70 - 80% sản phẩm của ĐBSCL xuất ra nước ngoài, đặc biệt là thủy sản nên hiện nay còn ngành công nghệ chế biến thủy sản ra đời để đáp ứng nhu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.