Theo đó, ở câu số 2 (1,5 điểm) trong phần đọc - hiểu, đề yêu cầu HS xác định và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa” (trích trong bài thơ Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên).
HS khối 12 ở TP.Bến Tre cho rằng giáo viên dạy trên lớp trong đoạn thơ này có đến 3 liên từ “như” bị ẩn. Biện pháp tu từ là so sánh nhưng đáp án của Sở GD-ĐT là nhân hóa.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, một số trường đã gửi công văn xin ý kiến hướng dẫn của Sở rồi mới chấm điểm. Ngoài ra, tuy đáp án của Sở không yêu cầu HS chỉ rõ sự biểu đạt cụ thể của biện pháp tu từ nhân hóa trong đoạn trích nhưng một số trường THPT trên địa bàn H.Ba Tri lại không chấm điểm dù HS xác định đúng với đáp án của Sở. Trong khi đó, ở nhiều trường, các tổ giáo viên bộ môn ngữ văn quyết định chấm đúng và cho đạt điểm tối đa ngay cả với đáp án chọn biện pháp tu từ của đoạn thơ trên là so sánh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Thông, công tác tại Sở GD-ĐT Bến Tre, người phụ trách ra đề kiểm tra và đáp án nêu trên, khẳng định đáp án của Sở không sai. Ông Thông lý giải rằng, đoạn trích trên có cả biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa trong đó. Tuy nhiên, để chọn một trong hai biện pháp tu từ đối với đáp án trên, ông Thông thừa nhận chọn so sánh là hợp lý hơn. “Khảo sát sơ bộ thì không ít HS đã chọn đáp án là nhân hóa, nhưng tôi đã trả lời thắc mắc đối với một số trường có xin ý kiến rằng HS chọn biện pháp so sánh hay nhân hóa đều nên chấm điểm tối đa nhằm góp phần tạo tâm lý tốt hơn cho các em trước kỳ thi quan trọng sắp tới”.
Bình luận (0)