Học sinh "tố" nhà trường sử dụng thực đơn bữa ăn không hợp lý!

24/02/2018 19:26 GMT+7

Tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi” diễn ra ngày 24.2 (do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP.HCM tổ chức), em Tr. B. H., học sinh lớp 5/5 một trường ở Q.5 nói về thực đơn bữa ăn trong trường học không hợp lý. Đó là nhiều tinh bột, ít rau xanh, thừa thịt mỡ dẫn đến tình trạng béo phì!

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT trả lời: “Năm nào chúng tôi cũng phối hợp với Sở Y tế để tiến hành kiểm tra các bếp ăn ở một số trường học. Bữa ăn ở các trường thường được xây dựng làm sao cho các em ăn đủ chất. Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận là cũng còn tình trạng nằm ngoài mong muốn. Đó là, một số trường đặt những suất cơm ở các công ty, đơn vị cung cấp bên ngoài nên chất lượng chưa đồng đều. Vấn đề này, chúng tôi sẽ phối hợp với từng địa phương để chấn chỉnh sao cho hợp lý hơn”.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhận (bên trái) lắng nghe ý kiến của thiếu nhi (Ảnh: Lê Thanh)

Nhà vệ sinh bị xuống cấp trầm trọng

Còn em Dương Ngọc Quỳnh Như, học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.12, TP.HCM, nêu:  “Khu vực nhà vệ sinh ở các trường học lâu năm bị xuống cấp trầm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường học tập của tụi con. Chính vì vậy, con mong quý lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến vấn đề này”.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hồng Sơn cho rằng: “Cách đây 3 năm, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tiến hành thực hiện sửa chữa, nâng cấp, làm mới hệ thống các nhà vệ sinh trong hệ thống các trường học tại TP.HCM. Sau khi khảo sát, chúng tôi thấy nổi lên 2 vấn đề. Thứ nhất, là nhà vệ sinh bị xuống cấp chưa được sửa. Thứ hai, là không có công nhân dọn dẹp nhà vệ sinh trong một số trường học và vấn đề này sau đó đã được làm quyết liệt. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, có thể trường này, trường kia nhà vệ sinh đã bị xuống cấp, hư hỏng trở lại. Về việc này, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát ở những địa chỉ có phản ảnh cụ thể để có hướng khắc phục kịp thời, tạo môi trường học tập thoải mái cho các em học sinh không còn băn khăn, lo lắng”.

Một số hình ảnh sôi động tại chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi (Ảnh: Lê Thanh)

Trường, cầu xuống cấp lo nguy hiểm đến tính mạng

Vấn đề cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp gây nguy hiểm đến tính mạng của học sinh cũng được các em đặt ra tại chương trình. Đăng Hồng Hải, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình) bức xúc: “Trong lớp học của em, nhiều hạng mục cơ sở vật chất bị xuống cấp trầm trọng rất nguy hiểm đến tính mạng của nhiều học sinh. Em rất mong quý lãnh đạo sẽ tìm biện pháp để giải quyết vấn đề này”.

Thường xuyên đi học qua những cây cầu, em Huỳnh Thị Kim Tuyết, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè, cho biết tình trạng một số cây cầu trên địa bàn có nguy cơ bị sập như cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè) bất ngờ đổ sập mới đây. Cụ thể như cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi, Rạch Đỉa.. đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho học sinh chúng em qua lại mỗi ngày. Em Tuyết đề nghị, lãnh đạo cần có phương án để cải tạo, cách khắc phụ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trả lời các em xung quanh vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thành phố đang gánh áp lực rất lớn do dân số, phương tiện không ngừng tăng, cần rất nhiều kinh phí.

Về những cây cầu xuống cấp ở huyện Nhà Bè, thành phố đã có quyết định đầu tư 2.000 tỉ cho 4 cầu ở đây. Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng khó khăn, gặp cản trở nên vẫn chưa thực hiện được, trong khi việc giải phóng mặt bằng chậm sẽ tiếp tục đẩy kinh phí tăng lên và chúng tôi đang tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng chia sẻ với các em học sinh

Trường học nên tổ chức mô hình “Cây mai ngày tết”

Kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hầu hết những ý kiến của các em nêu ra đều xuất phát từ nhu cầu chính đáng trong thực tế liên quan đến vấn đề vui chơi, giải trí, học hành. “Tôi đề nghị, các sở ngành có mặt tại đây trong tầm tay của mình việc gì các em đặt ra trong hôm nay nếu giải quyết được thì giải quyết ngay. Những việc lớn hơn cần có thời gian nghiên cứu thì cũng phải chú tâm”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng đề xuất: “Vào dịp trước tết năm sau, Sở GD-ĐT TP.HCM nên triển khai đến các trường mô hình Cây mai ngày tết. Ở trên cây mai ấy, để học sinh ở từng trường viết lên đó những nguyện vọng, mong muốn, ước mơ của mình. Và trong tầm tay của nhà trường nếu thực hiện được những nguyện vọng ấy thì ban giám hiệu nhà trường nên làm ngay. Vấn đề nào quá tầm tay của nhà trường thì sẽ chuyển những đề đạt ấy lên các sở, ngành hoặc lãnh đạo thành phố để tạo cho học sinh có niềm tin. Và hãy biến những mong muốn, đề đạt, ước mơ nho nhỏ của các em học sinh thành hiện thực”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.