Học sinh trải nghiệm đi tàu cao tốc, ngắm nhìn thành phố để… thi văn

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
07/01/2021 13:40 GMT+7

Trước khi bước vào làm bài trong cuộc thi “Văn hay chữ tốt”, 162 học sinh THCS ở TP.HCM được lên tàu cao tốc và có hơn một giờ đồng hồ trải nghiệm, ngắm nhìn thành phố qua đường thủy.

Viết văn từ những trải nghiệm thực tế

Sáng 7.1, mới hơn 6 giờ 30 sáng hàng trăm học sinh cùng giáo viên ở khắp các quận, huyện của TP.HCM đã có mặt ở ga tàu cao tốc bến Bạch Đằng (Q.1) để chuẩn bị bước vào cuộc thi. Nhiều em từ những quận huyện xa trung tâm thành phố không khỏi háo hức khi lần đầu tiên được tới ga tàu và trải nghiệm chuyến đi đặc biệt này.
Đến 7 giờ 30, tất cả thí sinh chia làm 2 nhóm lên 2 chuyến tàu cao tốc, các em được khám phá thành phố từ một góc nhìn mới, tàu có một hướng dẫn viên, sẽ chia sẻ những thông tin ở các điểm tàu đi qua như Bến cảng Nhà Rồng, Cảng Sài Gòn, khu Thủ Thiêm…
Nhiều em, lần đầu tiên được trải nghiệm đi tàu cao tốc đã “ồ” lên vì được ngắm nhìn thành phố theo một góc đặc biệt.

Thí sinh có dịp ngắm nhìn thành phố qua tàu cao tốc đường sông

Nguyễn Loan

“Em đến từ Củ Chi, đây là lần đầu tiên em được đi tàu cao tốc đường sông, cũng là lần đầu tiên đi qua cung đường này. Lúc đầu thì bi say sóng một chút, nhưng sau đó khi nhìn ra cửa sổ em không khỏi choáng ngợp và bất ngờ vì thành phố của mình lại đẹp đến vậy. Ngắm nhìn khoảng xanh 2 bên bờ sông, hay nhìn những toà nhà cao chọc trời em thấy thành phố thật đẹp và hiện đại nữa. Đặc biệt, khi được đứng ở mũi tàu em cảm thấy mình trở nên thật nhỏ bé, ở góc nhìn này mới thấy được sự phát triển của thành phố mình”, Đặng Ái Trâm, học sinh lớp 7 Trường THCS Thị trấn 2 (Củ Chi) chia sẻ.
Cũng theo Chi thì những trải nghiệm này sẽ giúp em có thêm những cách nhìn mới, và sẽ có cảm hứng tốt hơn khi làm bài thi.
Ngoài việc có hơn 1 giờ trải nghiệm trên cao tốc đường sông, học sinh cũng được chia ra thành từng nhóm, ra mũi tàu để có thể thoải mái cảm nhận về trải nghiệm đặc biệt này. 
Trong khi đó, cũng lần đầu tiên đi cao tốc đường thủy qua sông Sài Gòn, em Lê Trần Quế Chi, học sinh lớp 7 Trường THCS Bình Triệu và em Lê Nguyễn Thuỳ Dương, lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Bá (đều ở quận Thủ Đức) thì cho biết dù hơi say sóng nhưng vẫn rất vui với chuyến đi này. 
“Em từng được nhiều lần vào trung tâm thành phố, cũng được ba mẹ cho đi khá nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên khám phá thành phố bằng đường sông. Thật sự là một trải nghiệm rất khác biệt, không có kẹt xe, tầm nhìn cũng được phóng ra xa khi không bị che khuất bởi các toà nhà cao tầng như khi đi đường bộ nên cảm nhận đầu tiên của em là ‘thành phố này thật đẹp, rất đồ sộ và phát triển’. Những toà nhà cao tầng 2 bên bờ sông đại diện cho quá trình chuyển mình, phát triển của thành phố. Đã được học và đọc rất nhiều nhưng đây cũng lần đầu tiên em được biết đến Cảng Sài Gòn với nhiều tàu, thuyền... Nhìn được sự phát triển sôi động ở đường sông’, Quế Chi nói. 

Học sinh sẽ có những cảm xúc chân thật

Hơn 9h15, sau khi hoàn thành chuyến đi trải nghiệm, thí sinh tập trung tại ga tàu, được tự chọn chỗ ngồi trong khu vực thi và bắt đầu bài làm của mình. Không ngoài dự đoán, đề thi của các em yêu cầu viết về cảm xúc, suy nghĩ của mình về thành phố này. 
Cụ thể, đề thi viết: 
"Ngắm nhìn thành phố từ một góc khác...
Có bạn nghĩ đến Hi vọng - hi vọng thành phố chuyển mình với bao đổi thay, sánh vai cùng các thành phố lớn khác trên thế giới.
Có bạn cảm thấy Mến thương - mến thương thành phố yêu dấu, nơi em lớn lên từng ngày với bao kỷ niệm ngọt ngào, êm đềm.
Còn em, nếu được chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của em về thành phố thì em sẽ chọn từ gì?"

Đề thi dành cho học sinh khối 8-9

Đề thi dành cho học sinh khối 6-7  

Dẫn đoàn 6 thí sinh tham gia cuộc thi năm nay, cô Lê Thị Hồng Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Hương, giáo viên mạng lưới môn ngữ văn huyện Nhà Bè cho biết khá ấn tượng với cách ra đề thi cũng như cách tổ chức.
"Các em được bước ra khỏi khuôn khổ thường lệ của các cuộc thi thông thường. Về đề thi mình thấy đề rất hay, gắn với hoạt động trải nghiệm trên thuyền để học sinh có thể tự do thể hiện khả năng quan sát, bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chân thật của các em. Đề thi cũng vì thế hướng học sinh cảm nhận và phát sinh lòng yêu mến, tự hào về thành phố dưới góc nhìn mới, từ sông nước", cô Hồng Phượng nói.
Trong khi đó, nhiều thí sinh tham gia cuộc thi cũng cho biết rất hứng thú với đề văn này khi các em có thể được tự do chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm của mình.
"Lần đầu tiên viết một bài văn mà em có nhiều cảm xúc đến thế. Em thấy yêu thành phố, yêu quê hương mình nhiều hơn sau cuộc thi này", thí sinh Phúc Nghi chia sẻ.

Học sinh được trải nghiệm đi tàu cao tốc dọc sông Sài Gòn

Và làm bài thi ở ga tàu

'Những trải nghiệm này rất đặc biệt, bài viết của em vì thế cũng tuôn trào cảm xúc, nếu tất cả bài thi đều có thể tổ chức như thế này thì em tin bạn nào cũng sẽ yêu môn văn', một thí sinh chia sẻ

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.