Học sinh trung học thi khoa học với 20 lĩnh vực nghiên cứu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/03/2019 18:20 GMT+7

Chiều 9.3, tại Hà Nội, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) đã khai mạc với 252 dự án nghiên cứu, thuộc 20 lĩnh vực tham gia dự thi.

 Năm học 2018 - 2019 là năm thứ 7 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã thu hút 896 học sinh các trường phổ thông trên cả nước tham gia với 481 dự án ở 21 lĩnh vực.
Theo báo cáo của ban tổ chức, tại khu vực phía Bắc có 252 dự án của 487 học sinh (THPT có 198 dự án với 377 học sinh, THCS có 54 dự án của 110 học sinh) thuộc 20 lĩnh vực tham gia.
Cuộc thi diễn ra từ 9 - 12.3.Trong khuôn khổ cuộc thi sẽ diễn ra hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu. 
Học sinh trung học khu vực phía Bắc tranh tài với 252 dự án ẢNH K.A
Đặc biệt, cuộc thi năm nay đã thu hút hàng trăm nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao phần thưởng và tuyển thẳng vào đơn vị mình các thí sinh đạt giải.
Các thành viên ban tổ chức cuộc thi nghe học sinh giới thiệu về dự án nghiên cứu khoa học ẢNH K.A
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ: "Tôi hy vọng thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng không gian, thời gian và hình thức dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông".
Để cuộc thi đạt mục tiêu và đúng yêu cầu, ông Độ nhấn mạnh: Ban tổ chức có kế hoạch hoạt động chi tiết, đảm bảo cuộc thi khách quan, công bằng, đúng quy chế. Ban giám khảo cần tập trung làm việc chính xác, công bằng, lựa chọn được những đề tài tốt nhất để trao giải và chọn người tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF tổ chức tại Mỹ vào tháng 5.2019.
Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (International Science and Engineering Fair, viết tắt là ISEF) được phát triển từ Hội thi khoa học quốc gia (National Science Fair) của Mỹ, do Hiệp hội Khoa học và cộng đồng (Society for Science & the Public, viết tắt là SSP) sáng lập, tổ chức lần đầu tiên tại Philadelphia (Mỹ) vào năm 1950. Năm 1958, hội thi này trở thành Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Tại Việt Nam, hàng năm có trên 10.000 dự án tham gia dự thi khoa học, kỹ thuật cấp cơ sở; cuộc thi cấp quốc gia có gần 500 dự án với gần 900 học sinh của 63 tỉnh/thành phố, các trường trung học trực thuộc và các trường trung học phổ thông chuyên thuộc các đại học, trường đại học tham dự.
Trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam đã liên tục tham gia Hội thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế Intel ISEF tại Mỹ và đạt được nhiều giải thưởng lớn. Trong đó, năm 2012 có 1 giải nhất; năm 2013: 2 giải tư; năm 2014: 2 giải tư và 1 giải đặc biệt; năm 2015: 1 giải tư và 1 giải đặc biệt; năm 2016: 4 giải ba; năm 2017 có 1 giải ba, 4 giải tư và 4 giải đặc biệt; năm 2018: 1 giải ba và 1 giải đặc biệt. Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình (26%) của Intel ISEF.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.