Tuyển sinh tiến sĩ trường lớn sụt giảm mạnh
Trong cuộc tọa đàm về đào tạo sau ĐH do Viện Dữ liệu lớn của Vingroup và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết nếu chỉ tính các trường về khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, thì quy mô tuyển sinh và đào tạo sau ĐH (đặc biệt ở bậc tiến sĩ) giảm sâu trong những năm gần đây. Số lượng học viên cao học, nghiên cứu sinh (NCS) của 15 trường khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ tốp đầu hiện nay chỉ chiếm khoảng 7% tổng quy mô đào tạo sau ĐH của cả nước.
“Đúng như Báo Thanh Niên từng phản ánh, trường càng lớn càng khó tuyển sinh tiến sĩ. Như Bách khoa Hà Nội chẳng hạn. Năm 2011, trường tuyển hơn 2.000 học viên cao học, quy mô đào tạo sau ĐH là 5.000. Năm 2018, số lượng giảm xuống còn hơn 500, tức là giảm 3/4. Quy mô đào tạo sau ĐH hiện nay chỉ chiếm chưa đến 5% so với tổng quy mô đào tạo của trường”, PGS Sơn chia sẻ.
PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng cho biết tình hình tương tự diễn ra với trường này. Nếu như trước đây mỗi năm đào tạo sau ĐH của trường khoảng 1.300 - 1.400 thì nay chỉ còn 600. Theo PGS Phong, nhu cầu học sau ĐH là có, nhưng hiện đang hơi bị lệch lạc về mục đích.
“Thực tế cho thấy, những sinh viên giỏi của chúng tôi đều ra nước ngoài học sau ĐH, nguyên do là có sự cách biệt về chất lượng đào tạo trong và ngoài nước. Nhiều người học trong nước là để có cái bằng, nên chọn học tại chức những trường nhỏ, thay vì học tại trường lớn”, PGS Phong nhận định.
Theo lý giải của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên do số lượng người học sau ĐH sụt giảm trong những năm qua là nhu cầu về nhân lực có bằng thạc sĩ, tiến sĩ của thị trường lao động giảm.
Người học cần được trả lương
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện Dữ liệu lớn Tập đoàn Vingroup, cho biết: “Chúng ta không có tiền trả học bổng cho người học, người học phải đi làm một nghề khác đồng thời với đi học nên thời gian cho đi học rất ít. Do đó, bằng cấp nhận được có chất lượng không thể bằng các trường khác. Trong khi đó, học sau ĐH ở Mỹ người ta xem là một nghề toàn thời gian. Trong thời gian học sau ĐH, họ hoàn toàn ở trường, hằng ngày đến trường, làm việc với thầy giáo. Họ phải có một khoản tiền để chi tiêu, chỉ ở mức đủ sống, nhưng đủ giúp họ theo đuổi việc học tập. Tiền đó từ đâu ra? Từ doanh nghiệp một phần, còn phần lớn từ các quỹ của chính phủ”.
Theo ông Bùi Thế Duy, các nước xác định NCS là một diện “công nhân làm nghiên cứu” hiệu quả mà lại chi phí thấp, còn ở ta thì thị trường lao động trong các trường ĐH chưa có nhu cầu đó. Nhưng ông Duy cũng cho rằng, nếu nói trường không có tiền trả lương cho NCS là không hoàn toàn đúng. Các giáo sư có thể trích tiền từ đề tài mà nhà nước giao cho mình để trả một chút thù lao cho NCS nếu họ làm việc cho mình.
Nhiều trường đã thực hiện
Tại TP.HCM, thời gian qua có nhiều chương trình ưu đãi cho NCS, không chỉ hỗ trợ chi phí đào tạo mà thậm chí còn trả lương.
Điển hình nhất cho mô hình đào tạo này phải kể đến Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường này hiện đang triển khai đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ người học tiến sĩ trong nước và quốc tế. Theo đó, từ khóa 2017 đợt 2 trở đi, NCS theo hình thức tập trung liên tục được xem là nhân sự làm việc toàn thời gian và phải ký hợp đồng với trường. NCS sẽ được miễn 100% học phí từng năm tính theo kết quả học tập và nghiên cứu của năm trước đó. Ngoài ra, còn được bố trí không gian làm việc, chỗ ở không thu phí trong các cơ sở lưu trú của trường nếu sinh sống ngoài TP.HCM.
Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, NCS được hưởng mức hỗ trợ tài chính tương đương viên chức chính thức của trường. Ngược lại, NCS phải thực hiện các nghĩa vụ với trường như: làm việc mỗi tuần 40 giờ, trước khi bảo vệ luận án cấp trường phải công bố tối thiểu 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI -Scopus và 1 bài trên tạp chí Jabes phiên bản tiếng Anh. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ công bố, người học phải hoàn trả mức học phí đã được hỗ trợ...
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng phê duyệt Đề án học bổng sau ĐH với tổng trị giá 500 triệu đồng cho năm 2019. Giá trị học bổng dành cho học viên theo học trình độ thạc sĩ là 25 triệu đồng/suất và tiến sĩ là 75 triệu đồng/suất.
Mục tiêu đề án nhằm khuyến khích học viên và NCS tập trung thời gian cho việc học tập và nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực đào tạo sau ĐH tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bình luận (0)