Học văn theo cách khác

06/12/2014 06:15 GMT+7

Để học sinh không nhàm chán với môn học ít nhiều bị cho là kém tạo hứng thú, một số trường đã tìm tòi những cách làm mới, qua đó giúp học sinh rèn luyện thêm kỹ năng.

Học văn theo cách khác
Học sinh trình bày cảm nhận về sản phẩm thực hiện trong dự án “Học văn từ cuộc sống” của Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cơ hội để học sinh trải nghiệm

Bắt đầu năm học 2014 - 2015, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) học môn văn theo hướng thực hiện dự án với tên gọi “Học văn từ cuộc sống”.

Nói về dự án này, thầy Nguyễn Đức Anh, giáo viên phụ trách, chia sẻ: “Đây là một hành trình trải nghiệm lý thú, các em sẽ sống nhiều hơn một cuộc đời”. Mục đích của dự án nhằm đưa ra một hướng đi mới trong dạy và học văn - đưa học sinh tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời khác nhau trong xã hội, sau đó kể lại những cảm nhận; giúp học sinh hiểu thêm về mối quan hệ giữa cuộc đời và văn học thông qua việc học kỹ năng, trải nghiệm thực tế, thực hiện sản phẩm. Từ đó, mỗi thành viên tham gia có chiều sâu khi học văn và hiểu hơn về cuộc sống, con người, sống nhân ái hơn…

Chủ đề đầu tiên của dự án này là “Sài Gòn - những góc nhìn trẻ”. Học sinh sẽ chia nhau tìm tài liệu, tìm hiểu thực tế, ghi nhận, quay phim… tạo sản phẩm theo một nội dung nào đó.

Theo thầy Nguyễn Đức Anh, khi tham gia, học sinh sẽ được rèn luyện các kỹ năng như chụp ảnh để cho ra đời những bức ảnh giàu tính biểu cảm, kỹ năng phỏng vấn, viết bản tin, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng làm phim, thiết kế quảng cáo…

Ngày 26.11 vừa qua, học sinh khối 10, khối 11 tham gia dự án đã trình làng 12 đoạn phim ngắn phản ánh những lát cắt chân thực về Sài Gòn. Trong đó có thể kể đến: phim Lách cách Sài Gòn (lớp 11A13) với hình ảnh những xe hủ tiếu gõ quen thuộc, cảnh đời những người bán hàng rong khao khát nuôi con học đến nơi đến chốn trong phim Đôi vai gánh cả tương lai (lớp 10A14), những day dứt trước nạn phá thai trong phim Dấu chấm hết cho sự bắt đầu (lớp 11A13)...

Thay đổi các chuẩn mực cũ về đánh giá

Cũng với hình thức tương tự, dự án “Học văn để sống” của Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) mong muốn cùng học sinh gieo cảm xúc để gặt yêu thương qua những bài học từ sách giáo khoa.

Từ mục tiêu thực học - trải nghiệm - khôn lớn và yêu thương, học sinh tham gia theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, sử dụng thể loại văn tự sự để viết và kể chuyện thông qua hình ảnh về những người sống xung quanh mình. Giai đoạn 2, thực hiện đoạn phim 10 phút về những câu chuyện xoay quanh nhịp sống thành phố.

Bà Phan Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng hình thức học văn nói trên thực hiện một cách cụ thể nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Không những thế, học theo dự án cũng làm thay đổi các chuẩn mực cũ về cách thức chấm điểm, đánh giá kết quả của học sinh. Học sinh sẽ được đánh giá suốt quá trình học tập thông qua các giai đoạn của dự án.

Bích Thanh

>> Học văn mà khô như ngói!
>> Học văn ngoài nhà trường
>> Học văn, trò sợ lời phê vô cảm hơn điểm kém
>> Thay đổi cách dạy, học văn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.