"Tấc đất tấc vàng"
Là một trong số ít trường tiểu học được phong tặng danh hiệu Anh hùng nhưng Trường tiểu học Thăng Long bị "xé" ra tới 3 điểm lẻ: 20 Ngõ Trạm, 220 Hàng Bông, 38 Phùng Hưng. Ngoài ra, trường phải mượn 3 phòng học của Trường mầm non 1/6 và 13 phòng học ở Cung thiếu nhi Hà Nội, cách điểm chính 20 Ngõ Trạm gần 2 km. Bà Nguyễn Ngọc Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Việc phân tán trường ra nhiều địa điểm ảnh hưởng lớn đến việc dạy, học và mọi hoạt động khác của nhà trường. Trước yêu cầu tiến dần tới học 2 buổi/ngày, trường không thể tổ chức được cho 100% học sinh học tại trường". Trường Thăng Long phải đi thuê điểm học là do địa điểm chính của trường - trên con phố buôn bán sầm uất gần chợ Hàng Da - quá chật chội, lại sát nhà dân.
Nằm ở trung tâm thành phố, mỗi tấc đất ở quận Hoàn Kiếm đều là tấc vàng. Vì vậy mà trong năm 2004, quận này vẫn có tới 55 điểm lẻ của 46 trường. Đa số các điểm lẻ của các trường đều nằm xen lẫn nhà dân, quán ăn, chợ, thậm chí nằm trên đất đình, chùa, nhà thờ và đang bị đòi lại như các trường tiểu học Hồng Hà, Lý Tự Trọng, THCS Hoàn Kiếm, Tân Trào. Hầu hết các điểm lẻ đều không có công trình vệ sinh riêng, không có sân chơi, lớp học vừa chật chội, tối tăm, ẩm thấp. Do "mắc kẹt" ở bài toán diện tích mà toàn quận Hoàn Kiếm trong năm 2004 chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia là Trường tiểu học bán công Tràng An, một số trường đã đạt 4 chuẩn nhưng đành lắc đầu chịu đứng ngoài vì không đảm bảo chuẩn về diện tích. Cũng vì thiếu diện tích mà năm 2004, cả quận chỉ đạt 75% học sinh học 2 buổi/ngày.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT khi quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội, năm 2003 Hà Nội thiếu khoảng 1,9 triệu m2 đất cho các trường công lập. Con số thống kê lại mới đây cho thấy vẫn thiếu khoảng 1,5 triệu m2. Ông Lê Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch-tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở hai khâu giải tỏa, giá tiền đền bù. Các hộ dân viện lý do Nhà nước có chính sách khi giải tỏa, nơi ở mới không được kém nơi ở cũ. Ở những quận trung tâm như Hoàn Kiếm, có không ít hộ dân sở hữu hàng trăm m2, xây nhà 3-4 tầng mặt phố để kinh doanh, vì vậy yêu cầu họ trả đất để đến khu tái định cư mới, vừa xa trung tâm, vừa không kinh doanh được là chuyện không tưởng. Thứ nữa là những hộ dân trong trường vốn là các giáo viên của trường. Quyết định phân nhà không rõ ràng, hàng chục năm nay họ cứ vô tư ở, rồi lấn chiếm cơi nới, càng gây khó khăn trong vấn đề hợp thức hóa, để bây giờ ngành giáo dục lại phải đứng ra giải quyết!
Nỗi lòng trường dân lập
|
Tâm sự của thầy Nguyễn Xuân Khang cũng là nỗi lòng chung của tất cả các trường dân lập Hà Nội. Phần lớn các trường phải thuê lại địa điểm của các cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất... bỏ không nào đó rồi cải tạo đôi chút để làm trường học. Cũng vì niềm mong mỏi "an cư rồi mới lạc nghiệp" mà thầy Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng từng bị một cú lừa "nhớ đời"... Lần đó, có một người tên là Nguyễn Ngọc Long trú tại 79 Lý Nam Đế (Hà Nội) chủ động làm quen thầy. Y tự giới thiệu là đại tá công tác tại Bộ Quốc phòng và khoe mình có khả năng xin được đất. Để tạo lòng tin, y "tặng" nhà trường hơn 1.000 USD để mua đồ dùng dạy học. Do quá nôn nóng muốn có mảnh đất xây trường, lãnh đạo trường đã giao cho Long 44.000 USD và 100 triệu đồng để làm thủ tục xin kinh phí và cấp đất. Chiếm đoạt được số tiền trên, Long đã bỏ trốn. Sau khi bị công an bắt, kẻ lừa đảo trả lại cho trường 20 triệu đồng và 4.000 USD !
Trường THPT Chu Văn An được coi là "nạn nhân điển hình" của tình trạng lấn chiếm đất. Có tới 150 hộ dân nằm trong khuôn viên của trường. Không dưới 20 hộ dân đã biến góc trường tiếp giáp với Hồ Tây mở các quán ăn kinh doanh. Do đây là một công trình trọng điểm quốc gia, Trường THPT Chu Văn An đã được thành phố Hà Nội dành đất để di dời toàn bộ các hộ dân. Riêng tiền xây dựng trường là 96 tỉ đồng, nhưng số tiền giải phóng mặt bằng, đền bù, di chuyển dân... cũng cỡ 100 tỉ nữa. Vậy mà phải mất 8 năm, đến năm 2005, công trình Trường Chu Văn An mới được khánh thành. |
Ông Lê Ngọc Quang - Trưởng phòng Kế hoạch-tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “UBND thành phố Hà Nội chuẩn bị triển khai thực hiện Quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hóa giáo dục. Trong quá trình xây dựng kế hoạch của ngành để thực hiện quyết định này, Sở GD-ĐT Hà Nội và Quỹ đầu tư phát triển thành phố đang xây dựng nội dung, kế hoạch hợp tác với nhau, trong đó có việc cho vay vốn là đối tượng các trường ngoài công lập. Những trường đã có thủ tục xin đất, đang chuẩn bị làm thủ tục đầu tư, nếu xác định quá trình dạy và học ở trường đó tương đối tốt, chúng tôi sẽ đề xuất với thành phố cho họ vay vốn trước. Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các trường dân lập đăng ký nhu cầu vay vốn năm 2006, trên cơ sở đó sẽ đặt ra nhu cầu với Quỹ đầu tư để đáp ứng từng bước cho các trường”... Còn phải đợi thông tin sau cuộc họp này, nhưng với các trường ngoài công lập thì đây là một tin vui bởi sau nhiều năm bị "bỏ rơi", họ đã tìm được sự chia sẻ của thành phố và ngành giáo dục Hà Nội.
Thu Hồng
Bình luận (0)