Khó như... trượt đại học: Cao đẳng thất thế

23/02/2017 06:56 GMT+7

Giữa lúc tuyển sinh đang 'nóng', thu hút sự quan tâm của hàng triệu thí sinh nhưng đến nay, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa công bố chính thức quy chế tuyển sinh CĐ, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn.

Trong khi Bộ GD-ĐT liên tục có văn bản chính thức hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH và CĐ sư phạm để học sinh quan tâm đăng ký dự thi thì Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chưa có hướng dẫn gì khiến các trường CĐ gần như “thua trắng” ngay từ đầu.
CĐ không còn tồn tại trong phiếu đăng ký xét tuyển
Chính vì năm nay hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có bậc CĐ, đã chuyển về cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý nên trong phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành không có sự tồn tại của các trường CĐ đào tạo các nhóm ngành ngoài sư phạm.
Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, bày tỏ: “Khi chưa có hướng dẫn chính thức của Bộ GD-ĐT, các trường CĐ vẫn hy vọng Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH sẽ làm việc với nhau để có sự liên thông, kết nối về tuyển sinh. Trong hội nghị toàn quốc Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hồi tháng 1, các trường cũng kiến nghị 2 bộ phải chia sẻ dữ liệu chung. Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi biết điều đó đã không xảy ra. Chưa bao giờ vấn đề tuyển sinh lại gây hoang mang đến thế trong các trường CĐ”.

tin liên quan

Khó như… trượt đại học
Với quy chế xét tuyển 'thoáng' như năm nay, rất khó để thí sinh trượt ĐH. Có chăng là thí sinh từ chối quyền nhập học do trúng tuyển không đúng nguyện vọng.
Còn tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính - Hải quan, cũng cho biết điều các trường CĐ mong muốn nhất là sự kết nối, chia sẻ dữ liệu, sử dụng chung một hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS) và cho các trường CĐ, tránh gây tốn kém. “Điều đó đòi hỏi Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT phải có thiện chí làm việc với nhau, cùng hướng đến một hệ thống giáo dục chung cho dù có sự phân tách về mặt quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc tuyển sinh của CĐ tạm thời vẫn như cũ. Nhưng đến thời điểm này, “như cũ” nghĩa là như thế nào, vì Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều thay đổi, mà thay đổi lớn nhất là trường CĐ không còn tồn tại trong phiếu đăng ký xét tuyển. Vậy chúng tôi phải tuyển sinh trên hệ thống nào để được... như cũ?”, ông Đạo nêu quan điểm.
Chưa kết nối dữ liệu tuyển sinh
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết: “Bộ LĐ-TB-XH đã có Công văn 205 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp, trong đó có công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ CĐ, TC năm 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì giữa 2 bộ chưa kết nối được để sử dụng chung hệ thống dữ liệu. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ công bố quy chế và văn bản hướng dẫn”.
Hiện các trường CĐ đang như ngồi trên đống lửa, vì thời điểm đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đã cận kề. Giữa lúc tuyển sinh đang “nóng”, thu hút sự quan tâm của hàng triệu TS nhưng đến nay, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa công bố chính thức quy chế tuyển sinh CĐ, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này càng tạo nên sự bất lợi lớn cho trường CĐ.
Tự bơi trong hoang mang
Hiện tại, dường như công tác tuyển sinh được các trường CĐ đặt lên hàng đầu. Từ trường công đến trường ngoài công lập, các nguồn lực như nhân sự, tài chính, thời gian... đều được huy động tối đa để chuẩn bị cho cuộc tuyển sinh nhiều khó khăn phía trước.
Nếu như Trường CĐ Cao Thắng trước đây không cần quảng bá, không tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp thì năm nay, trường bắt đầu phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tiếp cận TS.
Còn bà Phan Thị Hải Vân tâm tư: “Khi truyền thông của Bộ LĐ-TB-XH chưa đến được với TS thì chúng tôi không thể ngồi chờ mà phải chủ động để các em biết đến tên bậc học, tên trường trước đã”.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, chia sẻ: “Khi Chính phủ ban hành khung trình độ quốc gia thì bậc học CĐ có rất nhiều lợi thế như nhiều ngành có thể rút ngắn 1/3 thời gian học tập, thay vì 3 năm trước đây giờ chỉ còn 2 năm. Chi phí đào tạo cũng giảm phân nửa. Nhưng TS chưa biết điều này. Các trường CĐ đành phải “tự bơi”, tự tìm đến TS để thông tin về những lợi thế đó, hướng nghiệp cho các em. Nhưng đường vào ĐH quá thênh thang như vậy, cả những học sinh trung bình cũng có cơ hội vào ĐH, thì số em thực sự học CĐ sẽ không còn bao nhiêu”.
Trường CĐ Bách Việt cung cấp các mẫu đăng ký trực tuyến trên website để TS có nhu cầu học tại trường, tự đăng ký trên mạng. Tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, thông tin: “Cán bộ tuyển sinh của trường cung cấp cho TS thông tin về cách xét tuyển online hoặc gửi hồ sơ trực tiếp đến trường. Không có sự kết nối dữ liệu với Bộ GD-ĐT, chúng tôi đành phải tự tạo ra kênh tuyển sinh của mình”.
Ý kiến
Phân luồng đào tạo lại
Phải phân luồng lại đào tạo. Không thể đào tạo ĐH quá nhiều, trong khi đó đào tạo nghề nghiệp (bao gồm cả CĐ) ít đi. Năm ngoái trường chỉ tuyển được 400 chỉ tiêu CĐ, trong khi tiềm lực đào tạo là khoảng 5.000. Năm nay trường sẽ mở chỉ tiêu đào tạo sang một số ngành phù hợp với nhu cầu thực tế hơn, hiện đang có sức hút cao như may, điện điện tử, khách sạn du lịch...
Lê Văn Thiêm
Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và tư vấn nghề Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội
Phải tự phấn đấu
Nguồn tuyển hạn chế nên tuyển sinh ĐH, CĐ nói chung vẫn sẽ rất khó khăn. Ngay cả ĐH dù là công lập nhưng thuộc diện tốp 3 cũng sẽ khó khăn không khác gì CĐ. Mấy năm nay bắt đầu có một số trường tuyển sinh căn cứ vào xét học bạ càng gây khó khăn cho các trường CĐ. Trường CĐ không còn cách nào khác là phải tự phấn đấu. Việc tuyển sinh rất khó khăn nhưng không lo lắng lắm vì hiện nay chúng tôi đã có một hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT nên đã giải quyết được công ăn việc làm cho cán bộ giảng viên nhà trường. Chiến lược riêng của chúng tôi là kết hợp giáo dục nghề nghiệp với giáo dục phổ thông.
Vũ Hoài An 
Hiệu trưởng Trường CĐ Hải Dương
Mở toang ĐH khiến CĐ lao đao
Tuyển sinh CĐ càng ngày càng khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ảnh hưởng tiêu cực từ cơ chế tuyển sinh ĐH quá thoáng. Nó khiến cho trung cấp gần như “chết” hẳn (trường tôi chỉ tuyển được mỗi ngành chế biến món ăn, các ngành khác không tuyển được nữa). Mở tuyển sinh ĐH thế này khiến tuyển sinh CĐ quá lao đao. Đối tượng đầu vào rất rộng. Đâu có người học là họ vơ hết, xét cả học bạ chứ không cần kết quả thi THPT quốc gia. Cộng thêm đó tâm lý người Việt vẫn cứ thích học ĐH, dù học xong rồi có thể thất nghiệp.
Tổng số TS chỉ có từng đó, trường thì mở ra, ĐH thì tăng chỉ tiêu. Còn đâu cho CĐ, còn đâu cho trung cấp? Lại thêm chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH quản lý, chính sách liên thông giờ lại chưa được quyết định. Người học không nhìn thấy đâu cơ hội học suốt đời, học nâng cao nên họ càng quyết tâm vào ĐH. Vì thế mà CĐ chúng tôi giờ trùng trùng khó khăn!
Nguyễn Hiếu
Phó hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại du lịch Hà Nội
Mong sớm có hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH
Việc Bộ LĐ-TB-XH chưa có hướng dẫn tuyển sinh với các trường CĐ rõ ràng làm ảnh hưởng tới kế hoạch tuyển sinh của các trường nên chúng tôi mong muốn sớm có hướng dẫn. Chúng tôi xác định năm nay việc tuyển sinh chắc chắn vẫn còn khó khăn với các trường CĐ, TCCN nên phải chủ động tuyên truyền thông tin về các ngành nghề đang được đào tạo tại trường. Ngày 1.4 này Bộ GD-ĐT cho TS đăng ký dự thi THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển vào ĐH. Do bên CĐ chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ LĐ-TB-XH nên tôi không rõ đăng ký xét tuyển CĐ thì sẽ thế nào. Hiện chúng tôi xác định sẽ xét tuyển dựa vào kết quả học bạ là chính, không hy vọng nhiều vào việc xét điểm thi THPT quốc gia.
Nguyễn Thị Hằng Nga
Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội
Quý Hiên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.