Không bạo lực từ mỗi gia đình

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/10/2018 19:57 GMT+7

Các chuyên gia nhìn nhận, để một xã hội không có bạo lực cần sự chung tay của tất cả mọi người, không chỉ cá nhân riêng lẻ. Đặc biệt, sự bình yên từ mỗi gia đình đóng vai trò quan trọng.

Ngày 13.10, tại Dinh Thống Nhất đã lần đầu tiên diễn ra Ngày Văn hóa hòa bình TP.HCM với chủ đề Vì một xã hội không bạo lực, do Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, Uỷ Ban Hòa bình TP.HCM tổ chức. 

Nói không với bạo lực trường học

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM, chia sẻ đầu chương trình: Với VN, đất nước đã trải qua chiến tranh, hòa bình có ý nghĩa và giá trị sâu sắc. Ngày nay, hòa bình không chỉ đòi hỏi độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng mà còn bao hàm môi trường bền vững, an ninh con người, xã hội công bằng, hoà thuận, lối sống nhân văn. Vì vậy, cần phấn đấu cho cuộc sống văn minh, hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Hướng tới xã hội văn minh nhân ái, không chỉ đẩy lùi bạo lực, mà còn đặt ra giáo dục làm người tử tế, làm công dân tốt, biết vì mọi người.

Tôn Nữ Thị Ninh

Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM

Bà Ninh chỉ ra, tác động hai mặt của phát triển kinh tế, sự giàu có vật chất, quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, bùng nổ công nghệ thông tin đang đặt ra nhiều thách thức về giá trị sống, quan hệ giữa con người với con người, dẫn tới tình trạng bạo lực trong xã hội. Hướng tới xã hội văn minh nhân ái, không chỉ đẩy lùi bạo lực, mà còn đặt ra giáo dục làm người tử tế, làm công dân tốt, biết vì mọi người.

Nhà giáo Bùi Trân Phượng, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng khi mỗi người nói không biết về bạo lực trong trường học, thì không có nghĩa là không có vấn đề đó. Có những người im lặng trước các vụ việc, biết nhưng không lên tiếng, đó cũng là một cách làm tổn thương người khác.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công dẫn ra 3 câu chuyện liên quan đến bạo lực mà anh mới được tiếp xúc gần đây: một cô bé lớp 5 bị bạn bè tách ra khỏi nhóm, quá cô độc, đến lớp 7 cô bắt đầu có hành vi muốn tự sát; một sinh viên cao đẳng căng thẳng vì bị thầy giáo gạ tình; một học sinh THCS sợ hãi khi biết người thân đang có ý định xâm hại tình dục em…

Mẹ và con tham gia ngày hội - ảnh Thúy Hằng

Mong hòa bình luôn hiện diện trong mỗi gia đình

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa UNESCO VN chỉ ra 5 nguồn gốc của bạo lực: Sự thất vọng của cá nhân; Tâm lý hùa theo đám đông; Tâm lý hận thù, đố kỵ; Niềm tin mù quáng; Sử dụng chất kích thích như ma tuý, rượu, bia… Đồng thời bà Hường cũng nhấn mạnh, một nguồn gốc khác là xã hội thiếu công bằng, pháp lý còn lỏng lẻo, công lý chưa được thực thi.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng cho hay, 6 tháng nay anh tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, một điều khiến anh giật mình đó là nhiều người rất giỏi, luôn tươi cười, mặt rạng rỡ… nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, họ đang bị tổn thương tinh thần quá kinh khủng từ bạo lực gia đình, trong nhiều người trẻ tài năng luôn là nỗi sợ hãi bị bỏ rơi, họ luôn ám ảnh mình không phải là người đủ giỏi để giữ được người thân bên cạnh…

Tiến sĩ Giang đưa ra những giải pháp để bài trừ bạo lực khỏi cuộc sống: Mỗi người cần học cách giao tiếp không bạo lực; học cách thấu hiểu bản thân và thấu hiểu người khác; Cần sự trắc ẩn với tất cả mọi người, kể cả chính bản thân mình để tha thứ cho mọi lầm lỗi.

Bạn trẻ tham gia các hoạt động Ngày văn hóa hòa bình TP.HCM ( ảnh Thúy Hằng)

Trong khi đó, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ, bà luôn mong muốn hòa bình sẽ hiện hiện trong mỗi gia đình, bởi từ đây con cái được nuôi dưỡng, giáo dục, ảnh hưởng rất lớn từ mẹ cha. Mỗi gia đình bình yên, có sự lắng nghe, chia sẻ lẫn nhau giữa các thành viên là cơ sở để hình thành nên một xã hội nhân văn, không còn bạo lực.

 Đông đảo người trẻ hưởng ứng ngày hội 

Ngày 13.10 có mưa, tuy nhiên vẫn không ngăn cản hàng ngàn người, trong đó đa số là người trẻ, tới tham quan, tham gia các hoạt động như: vẽ tranh, vẽ áo dài, sáng tạo thành phố thông minh… của Ngày văn hóa hòa bình tại các không gian được đặt tên gọi như Chung sống hoà thuận; Gia đình và trẻ thơ; Nhà trường và thanh thiếu niên; Cộng đồng…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.