Không hào hứng với giữ và gửi trẻ ngoài giờ

24/10/2017 09:47 GMT+7

Thực tế thí điểm mô hình giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp ở TP.HCM không đủ chỉ tiêu, tháng học tháng không...

Đề án hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ (giữ đến 17 giờ 30 từ thứ hai đến thứ sáu và cả ngày thứ bảy) cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp (KCX-CN) được bắt đầu triển khai từ năm học 2016 - 2017 tại 2 quận (Bình Tân và Thủ Đức).
Theo lộ trình, năm nay sẽ mở rộng thêm tại Q.7, H.Củ Chi và đến năm học 2018 - 2019 sẽ triển khai đại trà mô hình này ở 13 KCX-CN.
Tuy nhiên, hiện nay trường, lớp đã sẵn sàng, ban giám hiệu cũng động viên giáo viên tự nguyện tham gia nhưng mới chỉ có 2/4 quận, huyện có trẻ theo học, đặc biệt có nơi số học sinh không đủ chỉ tiêu ban đầu đưa ra.
Theo quy định, năm nay tổng chỉ tiêu nhận trẻ ngoài giờ của 4 quận huyện (7, Bình Tân, Thủ Đức và Củ Chi) là 420 học sinh, thế nhưng số trẻ học thực tế chưa đủ 50%.
Riêng H.Củ Chi được giao chỉ tiêu 90 học sinh cho Trường mầm non Tây Bắc nằm trong KCN Tây Bắc nhưng chưa thực hiện được vì không có học sinh tham gia. Còn tại Q.7, dù Trường mầm non KCX Tân Thuận hiện có hơn 500 học sinh con em công nhân đang theo học nhưng cũng chỉ có khoảng 100 phụ huynh đăng ký cho trẻ học ngoài giờ.
Lãnh đạo một phòng giáo dục nói rằng: “Không có thì “kêu ca”, nhưng đến khi có thì phụ huynh có chịu đăng ký cho con học đâu”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường mầm non 30.4 (Q.Bình Tân), cho hay nguyên nhân có thể xuất phát từ việc thời gian tăng ca của phụ huynh không cố định, có ngày tăng ca, có ngày không. Thời gian ngoài giờ đến 17 giờ 30 cũng có khi không phù hợp vì có thể công nhân tăng ca muộn hơn. Ngoài ra, vị hiệu trưởng này đã tìm hiểu tâm tư thì có phụ huynh cho biết, những khi tăng ca phụ huynh thích gửi nhóm trẻ gia đình, gửi ngày nào trả tiền ngày đó tiện hơn so với cho con học cố định tại trường công lập với mức học phí thu ngoài giờ khoảng 400.000 đồng/tháng.
Ở góc độ khác, một chuyên gia giáo dục ở TP.HCM phân tích: với thời gian ngoài giờ quy định trong đề án, mỗi tuần giáo viên sẽ tăng thêm 17 giờ làm việc, một năm tăng thêm 525 giờ. Trong khi đó, theo bộ luật Lao động, giáo viên không được làm thêm quá 200 giờ/năm. Do đó, để vừa thực hiện được đề án mà không trái luật, các trường phải phân chia giáo viên dạy các lớp thí điểm làm việc theo ca. Theo đó, một lớp giữ trẻ sẽ do nhiều giáo viên luân phiên đảm nhận, sao cho mỗi người không quá 200 giờ làm thêm mỗi năm.
Được biết, để thực hiện chủ trương này, các trường hầu như khuyến khích giáo viên trẻ chưa lập gia đình tham gia đảm nhận, nhưng “với mức chi trả từ 33.000 - 44.000 đồng/giờ, tính ra giáo viên thu nhập thêm được khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng nói giữ trẻ đến 17 giờ 30 mà có khi hơn 18 giờ phụ huynh mới đến đón, ra khỏi trường cũng phải hơn 19 giờ, rồi cuối tuần cũng phải đi làm nên nhiều giáo viên từ chối”, một lãnh đạo nhà trường cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.