Kỳ thi học sinh giỏi toán quốc gia: Chạy theo thành tích hay bồi dưỡng đam mê?

Cuộc cạnh tranh tại kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc vì 'định hướng thành tích' luôn tạo ra sức ép lớn cho kỳ thi học sinh giỏi toán cũng như kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic toán quốc tế.

Nhiều biến đổi về chất lượng

Tôi bắt đầu được mời tham gia công tác chuẩn bị cho các kỳ thi này từ năm 2001. Bao gồm chuẩn bị đề, chấm thi, sau đó là bồi dưỡng đội tuyển dự thi Olympic toán quốc tế (IMO). Tôi cho rằng công tác bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi trên cả nước từ năm 2001 tới nay đã có những biến đổi sâu sắc. Có thể thấy điều đó chẳng hạn thông qua thành phần đội tuyển VN tham dự các kỳ thi IMO. Cho tới năm 2000 hầu như không có HS miền Nam tham dự đội tuyển, kể cả từ những TP lớn nhất như TP.HCM. Trong 10 năm 1991 - 2000 chỉ có một HS miền Nam trên tổng số 60 HS VN tham dự IMO. Trong 10 năm tiếp theo 2001 - 2010 có 8 HS từ miền Nam trên tổng số 60 HS dự thi. Trong 8 năm 2011 - 2018 có 12 HS từ miền Nam trên tổng số 48 học sinh dự thi IMO. Hơn thế nữa, thành tích các HS từ miền Nam ngày càng tốt hơn với nhiều huy chương vàng và có sự góp mặt của HS từ các địa phương không truyền thống như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp.
Thành tích của đội tuyển VN tại các kỳ thi IMO vẫn được giữ vững. Đây không phải là điều đơn giản, vì có nhiều nước ngày càng quan tâm hơn tới thành tích tại IMO như Thái Lan, Singapore hay Philippines ở cạnh chúng ta, cũng như những nước vốn không có truyền thống về toán học như Saudi Arabia.

Không ít học sinh đi thi vì quyền lợi

Có nhiều lý giải cho những chuyển đổi về chất trong công tác bồi dưỡng HS giỏi cũng như thành tích của VN tại các kỳ thi IMO gần đây. Nhưng trước tiên phải kể đến các cơ chế chính sách của nhà nước dành cho HS giỏi. Để thấy điều này cần phải đặt ngược lại vấn đề. Năm 2006 Bộ GD-ĐT trong trào lưu “nói không với bệnh thành tích” quyết định bỏ chính sách ưu tiên cho HS đạt giải tại các kỳ thi quốc gia. Kết quả là chất lượng thi cử giảm sút trầm trọng. Rất may, chủ trương này được thay đổi chỉ sau vài năm nên chất lượng HS tại các kỳ thi cũng được hồi phục dần dần. Tuy nhiên thực trạng này cũng nói lên một điều khác. Đó là không ít HS của chúng ta đi thi nhiều khi vì quyền lợi chứ chưa hẳn vì đam mê.
Mặt khác quyết tâm của các trường chuyên trong việc tham dự kỳ thi HS giỏi nhiều khi là vì chạy theo thành tích chứ không đặt vấn đề thông qua các kỳ thì bồi dưỡng niềm đam mê và nâng cao hiểu biết của HS. Bằng chứng là chúng ta có khoảng 70 lớp chuyên toán trên cả nước, với khoảng hơn 2.000 HS chuyên toán mỗi năm nhưng tất cả các khoa toán tại các trường đại học lớn trong nước đều thiếu sinh viên. Tỷ lệ HS chuyên toán tiếp tục theo đuổi ngành toán tại đại học theo ước đoán của tôi chỉ không đạt nổi 10%.

Xảy ra không ít tiêu cực

Cuộc cạnh tranh tại kỳ thi HS giỏi toàn quốc vì “định hướng thành tích” luôn tạo ra sức ép lớn cho kỳ thi HS giỏi toán cũng như kỳ thi chọn đội tuyển dự thi IMO. Tôi chứng kiến không ít tiêu cực tại các kỳ thi này. Những năm đầu 2000, ban chấm thi thường xuyên kiến nghị Bộ GD-ĐT kỷ luật các trường hợp quay cóp, thậm chí làm bài tập thể trong kỳ thi HS giỏi toán toàn quốc. Ngoài ra cũng có cả những chuyên gia không nghiêm túc, tình trạng lộ đề xảy ra không ít lần. Tôi cho rằng những cố gắng đó của ban chấm thi cũng góp phần làm cho kỳ thi nghiêm túc hơn. Rất tiếc, nhiều năm lại đây Bộ lại có những thay đổi không phù hợp trên cơ sở “không tin tưởng vào tất cả chuyên gia”. Hệ quả là nhiều năm lại đây, ban chấm thi không còn khả năng phát hiện ra tiêu cực thi cử nữa (do các bài thi bị xáo trộn mạnh trước khi chấm nên không thể phát hiện hay khẳng định tình trạng quay cóp, bàn bài).
Chất lượng chấm thi HS giỏi môn toán cũng là một vấn đề cần phải xem xét. Các bài thi HS giỏi đa phần là rất khó, kể cả giáo viên chuyên toán, việc hiểu sâu sắc được lời giải của một số bài cũng không phải đơn giản. Dẫn đến thực trạng một số người chấm thi HS giỏi như chấm thi đại học, cho trượt những bài làm đúng nhưng khác đáp án. Vì thế đội ngũ chấm thi cần những chuyên gia thực sự. Tuy nhiên cách tổ chức gần đây vừa gấp gáp vừa bất tiện khiến nhiều chuyên gia từ chối tham dự chấm thi. Tồi tệ hơn nữa, khả năng phúc tra hầu như bằng không. Tôi được nghe nhiều bức xúc từ các thầy giáo về kết quả thi không như mong đợi. Tuy nhiên đa phần họ rất ngại phúc tra vì quan điểm của Bộ rất không cầu thị, hạn chế sửa điểm tới mức tối đa. Có những trường hợp tôi thấy đau lòng. Cuối năm 2015 tôi đã có thư ngỏ gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đề nghị đặt tiêu chí chuyên môn lên hàng đầu khi mời chuyên gia chấm thi và thực hiện công tác phúc tra kỳ thi HS giỏi toàn quốc trước khi xác định danh sách HS dự thi chọn đội tuyển IMO. Tôi không biết các đề nghị này có được thực hiện không, nhưng tôi vẫn tiếp tục nghe than phiền về chất lượng chấm thi từ các thầy giáo.
Chất lượng đề thi một vài năm gần đây cũng có vấn đề. Ra đề thi HS giỏi cực khó và số người có thể ra đề được là rất ít. Theo chủ quan của tôi thì cách tổ chức của Bộ đã làm nản lòng những người thực sự có năng lực. Vì thế có ít người đóng góp đề thi khiến nguồn đề trở nên khó khăn. Đề thi trong kỳ thi HS giỏi vừa qua là một ví dụ điển hình. Có lẽ vì thiếu nguồn đề và cũng có thể cả vì ít va chạm với HS, nhất là HS ở vùng xa, ban soạn đề đã đề xuất một đề thi quá khó so với năng lực chung của HS, một số bài không đáp ứng được tiêu chí “mới”.
Với kỳ thi HS giỏi môn toán, Bộ GD-ĐT nên cầu thị, tổ chức các hội thảo chuyên môn với sự tham gia của đại diện Hội Toán học, đại diện các giáo viên dạy chuyên toán và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để thảo luận về một mô hình bồi dưỡng HS giỏi toán thích hợp. Vấn đề đào tạo nhân tài là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.