Trong ngày 22.4, trên mạng xã hội xuất hiện thêm một đề thi trích dẫn nội dung nói về bộ phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc (phim chưa được chiếu rộng rãi).
Poster phim "Hậu duệ mặt trời" |
Đây được cho là đề thi học kỳ 2 môn ngữ văn lớp 12 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở Quảng Trị.
Nội dung phần đọc hiểu trong đề thi rất dài cụ thể như sau:
“Hậu duệ mặt trời có lẽ là cái tên thu hút sự chú ý nhất trong giới giải trí châu Á thời gian gần đây. Nó không chỉ hấp dẫn khán giả mà còn tạo nguồn hứng khởi tới cả các chính trị gia. Một bộ phim truyền hình dài tập đang được chiếu trên kênh KBS Hàn Quốc, gây sốt ở Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, VN và nhiều quốc gia khác. Nội dung phim xoay quanh 2 nhân vật chính Yoo Shi Jin và Kang Mo Yeon. Yoo Shi Jin là đội trưởng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, trong khi đó Kang Mo Yeon là thành viên của tổ chức bác sĩ không biên giới. Chuyện tình Yoo Shi Jin và Kang Mo Yeon là điểm nhấn mang đến nhiều cảm xúc thú vị cho người xem. Đề tài lạ, nội dung hấp dẫn, diễn xuất của diễn viên tự nhiên, hình tượng đẹp và các câu thoại xúc động là công thức mà Hậu duệ mặt trời chinh phục người xem.
Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha ngày 17.3 đã kêu gọi người dân nên xem Hậu duệ mặt trời. Theo ông người xem dễ dàng thấy được lòng yêu nước; sự hi sinh, tuân thủ mệnh lệnh của những công dân đầy trách nhiệm trong bộ phim. Thậm chí ông sẽ tài trợ cho ai muốn làm những bộ phim như Hậu duệ mặt trời.
Loạt phim này cũng được đưa vào chương trình nghị sự của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại phiên họp nội các thường kỳ với các trợ lý hàng đầu của bà. Tổng thống Park nói rằng: Phim có thể góp phần quảng bá nền văn hóa Hàn Quốc tới khán giả quốc tế và khơi dậy sự quan tâm của người nước ngoài tới Hàn Quốc. Qua đó có thể góp phần thu hút du khách nước ngoài. Tổng thống Park còn nhấn mạnh: Phim Hậu duệ mặt trời có thể góp phần truyền lòng yêu nước đến giới trẻ”.
Cảnh trong phim 'Hậu duệ của mặt trời' vào đề kiểm tra lý
Trong ngày 19.4, trên mạng xã hội lan truyền đề kiểm tra học kỳ 2 môn vật lý lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) có lấy chi tiết trong phim Hậu duệ của mặt trời của Hàn Quốc.
Câu 1 (0,5 điểm): Dựa vào nội dung hãy chỉ ra câu chủ đề của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm): Văn bản được viết theo kiểu phong cách ngôn ngữ nào? Nêu ngắn gọn đặc điểm của phong cách ngôn ngữ này.
Câu 3 (0,5 điểm): Những câu văn nào thể hiện điểm chung trong lời phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Thái Lan về bộ phim?
Câu 4 (0,5 điểm): Một bộ phim truyền hình nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chính trị gia. Theo em sự quan tâm ấy đã chứng tỏ điều gì của bộ phim? Câu văn nào (trong văn bản) đã thể hiện điều đó?
Câu 5 (2 điểm): Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: “Nếu tôi là đạo diễn”.
|
Nhận xét về đề văn này, bà Nguyễn Tuyết Nhung, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) khá bức xúc: “Chẳng lẽ người ra đề không tìm được văn bản nói về một vấn đề liên quan đến văn hoá văn nghệ hay xã hội ở trong nước và có chắc học sinh nào cũng xem trọn bộ phim này? Phải chi đề thi chọn một văn bản có chiều sâu và có tính giáo dục hơn. Có thể nói, đề thi này sát tình hình thực tế và gợi hứng thú cho học sinh thì ít mà làm tăng sức lan tỏa, quảng cáo miễn phí cho phim Hàn và văn hóa Hàn thì nhiều”.
Cũng theo bà Nhung, không phải học sinh nào cũng xem bộ phim này. Cho nên cách ra đề như vậy vô hình trung sẽ gây khó khăn cho những học sinh không xem, không biết bộ phim. Từ đó dẫn đến thiệt hại về điểm số bài thi của học sinh.
Còn Nickname Nhu Nguyet thì đề xuất Facebook: “Nếu sử dụng thì nên lấy một chi tiết trong phim, ví dụ cảnh chào cờ hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự để tạo tiền đề cho đề tài lòng yêu nước của giới trẻ VN. Văn hóa là nền tảng của giáo dục, do đó cần xử lý khéo léo trong đề thi để tránh việc quảng cáo quá mức mà mang tính giáo dục thực tế cao. Đây cũng là cách tiếp cận cho giới trẻ”.
Bình luận trên Facebook, một HS còn cho rằng đề thi chưa hợp lý khi cho rằng: “Chắc chắn em rớt câu thứ 5, em không thích coi phim Hàn Quốc thì làm sao biết được nội dung mà viết đoạn văn theo yêu cầu”.
Đưa 'sự kiện nóng' vào đề thi, nên hay không?
Việc đưa những câu chuyện thời sự, sự kiện mới, tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi... là trào lưu thịnh hành khắp các cơ sở giáo dục hiện nay.
Cũng có ý kiến đăng tải trên Facebook cho rằng, không nên trích dẫn thông tin từ phim vào đề thi, vì đâu phải học sinh nào cũng coi phim.
Cuối giờ chiều hôm qua, chúng tôi đã kết nối với nhà trường nhưng chưa có kết quả. Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ nhà trường trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)