Làm sao để xuất khẩu lao động thành công?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
13/11/2018 17:50 GMT+7

Bà Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết hiện nay có nhiều thị trường lao động rất tiềm năng, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của người đi xuất khẩu lao động, chúng ta cần thêm nhiều giải pháp.

Ngày 13.11, Báo Tiền Phong cùng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) đã tổ chức Hội thảo 'Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài'.

Tại hội thảo, bà Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết hiện nay có 4 thị trường lao động rất tiềm năng là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Trong đó đáng chú ý là thị trường Nhật Bản tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng của người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), cần thêm nhiều giải pháp được đặt ra.

Thông tin xuất khẩu lao động còn hạn chế

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng xuất khẩu lao động là chiến lược lớn của quốc gia. Hiện nay TP.HCM là khu vực sôi động nhất nước, cơ quan đầu tư nước ngoài đang tích cực phối hợp các địa phương của nước ta, hiện có rất nhiều ngành được đào tạo để xuất khẩu lao động. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép đi học nghề thì các đơn vị xuất khẩu lao động có thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay thông tin xuất khẩu lao động còn hạn chế, cũng như chưa có nhiều dự báo về thị trường này. Do đó, người lao động phải có tính toán khi quyết định đi xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty ESUHAI, cho rằng những người muốn đi XKLĐ đừng quá phụ thuộc vào thông tin của một tổ chức hay cá nhân nào. Theo ông Lanh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ cần dùng điện thoại thông minh truy cập vào các Fanpage của các đơn vị, công ty uy tín thì sẽ có được câu trả lời từ người thực, việc thực của vấn đề. Kết quả, thông tin có được nhiều khi còn ngoài sức tưởng tượng của người lao động.

Ông Lanh cũng trăn trở với câu chuyện "làm việc ở nước ngoài hay đi học tập để trở về" là vấn đề quan trọng. “Không ai ngoài sinh viên sẽ góp phần đưa đất nước phát triển. Dù học chuyên ngành nào, bậc học nào đi chăng nữa thì đều phải sử dụng năng lực cả. Các bạn cứ theo đuổi sở thích, thế mạnh của mình, đừng gượng ép học theo một ngành đặc thù nào để đi ra nước ngoài làm việc. Thị trường lao động Nhật Bản còn cần rất nhiều nhân lực thông hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, công nghệ...”, ông Lanh cho biết.

Không nên thông qua cơ sở môi giới
Sinh viên Trần Thị Thùy Trang, khoa kế toán, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, mong muốn làm sao chọn được những thông tin đáng tin cậy khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết sinh viên cần cẩn thận tìm hiểu kỹ, không nên thông qua bất kỳ cơ sở môi giới nếu không rõ thông tin. Một số trường đã có chương trình hợp tác trường - trường trao đổi sinh viên, thực tập sinh. Học trường nào thì nên liên hệ với trường mình để tìm hiểu thêm thông tin nếu có.

Ông Tiến cũng cho biết Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa thông tin tất cả các đơn vị được thực hiện hợp đồng lao động lên website. Nếu thắc mắc, người lao động có thể liên hệ đến văn phòng các Sở LĐ-TB-XH, gọi đường dây nóng (024)3966633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Thạc sĩ Phạm Anh Thắng, Phụ trách Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM, cho biết hiện nay xuất khẩu lao động có 4 hình thức, trong đó có hình thức cá nhân tự tìm việc làm, tự đăng ký việc làm. Chẳng hạn, nếu bạn tìm được đơn vị tuyển dụng tại Pháp, bạn đáp ứng được tiêu chuẩn lao động họ đặt ra, bạn có thể đăng ký trực tiếp với họ. “Các quốc gia ở châu Âu có rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe để tuyển lao động nước ngoài vào quốc gia của họ để làm việc”, ông Thắng lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.