Lãng phí từ các đề án giáo dục

22/01/2018 08:36 GMT+7

Nhiều dự án, đề án của Bộ GD-ĐT lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau nhiều năm triển khai nhận được kết luận: chưa đạt mục tiêu, quá tham vọng... Đây là một sự lãng phí lớn trong tình hình kinh phí chi cho giáo dục nước ta còn eo hẹp.

Phải nộp lại hơn 50 tỉ đồng vì không đạt mục tiêu
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020” (thường được gọi là Đề án 911) giai đoạn 2012 - 2016. Theo đó, các kết quả thực hiện mục tiêu đề án, từ tuyển sinh và đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ, tài chính đều không đạt.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 14.000 tỉ đồng. Nguồn kinh phí bao gồm: ngân sách nhà nước khoảng 94%; các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các trường chiếm 1%.
Về tuyển sinh, tổng chỉ tiêu đề án đặt mục tiêu là 12.800 (5.700 trong nước, 5.800 tại nước ngoài, 1.300 phối hợp) thì đến hết năm 2016 tổng số nghiên cứu sinh (NCS) trúng tuyển thực nhập học các hệ đào tạo là 4.024, đạt 31,4% chỉ tiêu của đề án tính đến năm 2016 và bằng 17,5% của cả đề án. Về mục tiêu nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ, hệ đào tạo ở nước ngoài được đánh giá khá tích cực nhưng vì số NCS tốt nghiệp trở về nước làm việc ít, nên chưa làm thay đổi nhiều về cơ cấu giảng viên, còn số đào tạo trong nước thì chưa cho thấy có sự khác biệt đáng kể so với đào tạo tiến sĩ đại trà.
Tổng kinh phí quyết toán của đề án thấp, bằng 10% kinh phí của cả đề án được xây dựng và phê duyệt. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính đối với Bộ GD-ĐT là thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 50,782 tỉ đồng, trong đó hơn 50,15 tỉ đồng là học phí của NCS mà Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đã hết nhiệm vụ chi.
Gây thất thu ngân sách nhà nước
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, do kinh phí phân bổ qua các năm chưa phù hợp với nhiệm vụ chi của đề án, phải hủy dự toán hoặc chuyển năm sau để chi, trong khi kinh phí cho sự nghiệp GD-ĐT còn hạn hẹp, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí. “Với kinh phí cấp thừa như trên, nếu đi vay lãi suất 5% phải trả chi phí vốn tương đương 66,95 tỉ đồng”, báo cáo nhận định. Ngoài ra, học phí thu của NCS không sử dụng từ nhiều năm không hoàn nộp ngân sách số tiền tương đối lớn 38,859 tỉ đồng, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí.
Một số thí sinh bỏ học hoặc không quay về cơ sở cử đi học với số tiền bồi hoàn tương đối lớn: 24,566 tỉ đồng. Tỷ lệ NCS hết thời gian đào tạo nhưng chưa bảo vệ thành công hoặc bảo vệ chậm 1 - 2 năm chiếm 61%, làm giảm hiệu quả đầu tư kinh phí của đề án.
Có 9 trung tâm đào tạo tiến sĩ được thành lập và đầu tư theo đề án phê duyệt với kinh phí cấp 9 tỉ đồng trang bị phòng học ngoại ngữ, xây dựng giáo trình đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng trước khi đi NCS. Qua kiểm toán một số trung tâm (Trung tâm đào tạo tiến sĩ thuộc ĐH Thái Nguyên, SEMEO, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) thì hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng gây lãng phí ngân sách.
Xây dựng đề án thiếu cơ sở thực tế
Báo cáo kiểm toán cũng cho rằng bất cập của đề án là xây dựng quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá và không sát thực tế, dự kiến nguồn tuyển sinh không đúng dẫn đến mục tiêu không thực hiện được cả về số lượng đào tạo tiến sĩ, kinh phí và nguồn hình thành. 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế của đề án là cơ chế chính sách bất cập. Mức kinh phí hỗ trợ của đề án thấp, các nội dung chi và điều kiện hỗ trợ kinh phí rất khó khăn, trong khi yêu cầu ràng buộc trách nhiệm của NCS cao hơn chương trình đại trà và yêu cầu để được hỗ trợ cũng rất cao, dẫn đến không phù hợp về trách nhiệm và quyền lợi, nên chưa thu hút được các ứng viên tham gia, khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước như mục tiêu đề án đặt ra.
Những đề án “quyết tâm giải ngân”
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho biết nhiều đề án, dự án của Bộ GD-ĐT triển khai các năm qua cốt yếu chỉ để “quyết tâm giải ngân”.
Một cựu chuyên viên từng tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng nhiều dự án của Bộ GD-ĐT cho biết do những người thiết kế dự án được “nhặt” từ các cục, vụ có lợi ích liên quan, nên năng lực làm dự án không có, thành thử nội dung các dự án thường được cóp nhặt tản mát từ đâu đó.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Một trong những cơ hội “đổi đời” của chuyên viên các cục, vụ ở Bộ GD-ĐT là được làm dự án, bởi lương của dự án được tính theo USD”. Cũng theo TS Khuyến, một nhức nhối của các dự án là thiếu cơ chế báo cáo tường minh.
“Trong khoảng hơn chục năm qua, riêng Bộ GD-ĐT có hàng chục dự án sử dụng tiền vay nước ngoài nhưng người dân không biết hoạt động, chi tiêu của các dự án đó, ngoài một số dự án bị làm rùm beng trên truyền thông như đổi mới chương trình - SGK, đề án ngoại ngữ 2020, các đề án đào tạo tiến sĩ… Cho nên nhà nước cần có cơ chế báo cáo tường minh định kỳ việc thực hiện các dự án, yêu cầu phải sơ kết thường xuyên và phải mời báo chí đến giám sát, chứ không chỉ là các cuộc họp nội bộ âm thầm như cách họ vẫn làm bấy lâu nay”, TS Khuyến đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.