Lão bán muối và lớp học ở Biển Hồ

Đình Tuyển
Đình Tuyển
24/03/2019 09:05 GMT+7

Cửa sông Siem Reap, Tonle Sap hiện ra mênh mông như một đại dương ngầu đục phù sa. Cách bờ không xa là làng nổi Chong Khneas của người gốc Việt với những chiếc bè neo đậu co cụm, lênh đênh.

Người hướng dẫn bản địa tên Pi chỉ tay về phía cụm bè màu xanh nổi bật nhất làng nổi, nói: “Đó là ngôi trường tình thương cho trẻ nghèo người Việt. Ngôi trường do một ông lão bán muối gầy dựng từ hàng chục năm trước và hoạt động đến giờ. Ở đó không chỉ dạy chữ mà còn nuôi ăn hàng trăm trẻ em nghèo, khốn khó trong làng”.

Hiệu trưởng ở tuổi 84

Tôi bỏ nghề bán muối, dạy không lấy tiền nhưng được cái bà con ở đây dù nghèo cũng đâu để thầy giáo đói, tới bữa người cho con cá, người cho ký gạo. Cứ thế mà sống, mà tồn tại qua bao thăng trầm
Thầy giáo TRẦN VĂN TƯ
Tàu chuẩn bị cập vào bè nổi có dòng chữ to “Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo” nằm gần bờ tây nam Tonle Sap, hay còn gọi là Biển Hồ (tỉnh Siem Reap, Campuchia), bất chợt có chiếc ghe chèo tay lại gần. “Chú ơi cho xin ít tiền mua gạo”, người phụ nữ lam lũ chở theo bé gái đầu trần, khuôn mặt nhem nhuốc nói giọng nài nỉ.
Ở nơi xa xứ này, nghe câu tiếng Việt thật nao lòng, dù trước đó Yang Heng, tài xế tuk tuk, đã cảnh báo tôi về nạn ăn xin ở đây. “Người dân làng nổi phần lớn đều nghèo nhưng nếu muốn ủng hộ trẻ em thì du khách nên bỏ tiền vào thùng từ thiện của ngôi trường”, Pi vừa cột sợi dây neo vừa nói. Nhìn vài chiếc tàu chở khách du lịch ghé vào trường, tôi nhận ra ngôi trường tình thương này dường như cũng là một điểm tham quan của du khách.
“Anh ở VN qua à? Xin giới thiệu người ngồi đó là thầy Trần Văn Tư, hiệu trưởng nhà trường”, thầy giáo trẻ tên Nguyễn Minh Luân nói. Trong gian phòng nhỏ, ngồi trước bàn hiệu trưởng là ông lão có mái tóc bạc phơ đang dõi theo vị khách phương Tây chơi đùa cùng học sinh.
Thấy có khách Việt, thầy Tư niềm nở chào đón. Ông kể, mình vừa trải qua cơn tai biến “thập tử nhất sinh” tưởng không qua khỏi. “Bệnh vậy mà đâu có nghỉ được, ở đây học sinh có tới 265 em mà chỉ có 8 người dạy thôi, hết 3 người dạy tiếng Khmer rồi, còn lại 5 người dạy tiếng Việt”, thầy Tư nói.
Cơn tai biến khiến miệng thầy Tư bị méo sang một bên, nói năng khó khăn hơn nhưng tác phong vẫn rất lanh lẹ. Nhìn thầy Tư, ít ai đoán ra ông đã 84 tuổi. Và thật đáng nể khi ở tuổi “cửu thập cổ lai hy” đó, ông vẫn làm hiệu trưởng, hằng ngày chăm lo bữa ăn cho hàng trăm trẻ em nghèo.
Thầy Trần Văn Tư cùng các học trò nhỏ
Trước năm 1979, thầy Tư vốn hành nghề bán muối ở Chong Khneas. Hồi đó, người Việt ở đây sinh sống gần như biệt lập với đất liền. Ngày ngày chỉ biết ra khơi đánh bắt cá bán và đổi lấy gạo ăn. Cuộc sống nương nhờ vào con nước và cá tôm tự nhiên. “Trẻ con đông, nhưng chẳng đứa nào biết trường lớp là gì. Chữ không biết, tính toán cũng không, đánh bắt cá lên bán, thương lái họ cân
100 kg mà ăn gian 30 - 40 kg cũng chịu. Tôi thấy vậy tội quá, mới mượn cái bè, mở lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ con”, thầy Tư kể. Từ đó lớp học đầu tiên ra đời với 31 học sinh. “Tôi bỏ nghề bán muối, dạy không lấy tiền nhưng được cái bà con ở đây dù nghèo cũng đâu để thầy giáo đói, tới bữa người cho con cá, người cho ký gạo. Cứ thế mà sống, mà tồn tại qua bao thăng trầm”, thầy Tư kể.

Cả nhà “xóa mù chữ”

Tonle Sap, hay còn gọi với tên tiếng Việt là Biển Hồ Campuchia, là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Mùa khô, diện tích hồ là khoảng 10.000 km² nhưng sẽ tăng thành 16.000 km² vào mùa mưa. Biển Hồ không chỉ là “túi nước” điều hòa cho hạ lưu sông Mê Kông mà còn là nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Hiện ở làng nổi Chong Khneas, Biển Hồ có 537 hộ dân gồm 2.401 Việt kiều sinh sống trên những ghe, bè tạm bợ.
Đưa tôi đi vòng quanh các phòng học, ông giáo già tỏ ra tự hào khi đứng nhìn học sinh “ê a” đọc bài. “Ở đây có cả thảy 6 phòng học, dạy từ lớp 1 đến lớp 5, các em học hoàn toàn miễn phí và được nuôi ăn ngày 3 bữa. Hằng ngày chúng tôi cố gắng dạy xóa mù chữ cho các em, còn muốn học cao hơn phải vào bờ hoặc về VN”, thầy Tư cho biết.
Ông khoe căn phòng có máy lọc nước sạch, rồi cho biết, qua bao thăng trầm mới có được cơ ngơi như hôm nay. Năm 1989, ông trở về quê Tây Ninh sinh sống. “Nhưng đầu óc cứ nghĩ về Biển Hồ. Tôi cứ tự hỏi chẳng biết giờ này, những học sinh của mình ra sao, cuộc sống người dân thế nào”, ông kể.
Thế rồi năm 2006, ông trở lại Biển Hồ. Trước mắt ông, lớp học xưa đã tiêu tan nhưng cuộc sống của những gia đình nơi đây vẫn khó khăn, trẻ em vẫn mù chữ. Lần đó, ông Tư viết thư xin chính quyền địa phương cho mở một ngôi trường giúp trẻ em nghèo ở Chong Khneas và được chấp thuận. Ông đi khắp nơi xin tài trợ để dựng trường. May mắn, một nhà hảo tâm ở một bệnh viện tại TP.HCM đã ủng hộ ông một số tiền kha khá, đủ để mua bè, dựng lớp.
Tới năm 2008, một người cháu của bạn thầy Tư là Nguyễn Minh Luân, khi đó là sinh viên vừa ra trường sang Biển Hồ thăm bác ruột, nghe ông thuyết phục đã ở lại tới giờ. Một năm sau đó, bà Nguyễn Thị Diệu, vợ thầy Tư cùng hai con trai là Hồng Sơn, 37 tuổi, Hồng Trung, 35 tuổi và 2 cô con dâu cũng rời Tây Ninh sang Biển Hồ sát cánh với cha. Niềm vui lớn là năm 2011, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tài trợ mở rộng thêm phòng học, mua sắm thêm bàn ghế, trang thiết bị để có cơ ngơi chắc chắn, rộng rãi như bây giờ.
“Trường không thu học phí, chỉ có mở một thùng từ thiện ở đây để du khách có thể đóng góp, ủng hộ nếu họ muốn. Mỗi tháng chúng tôi mở thùng quyên góp một lần, lấy tiền lo cơm nước ngày 3 bữa cho học sinh. Còn dư thì tích lũy, giúp bà con khó khăn, bệnh hoạn, một ít thì chia cho giáo viên, coi như lương cho thầy cô”, ông Tư nói.
Bà H., người phụ nữ chèo ghe chở cháu gái đi xin ở trên, kể ở Chong Khneas nếu không có mái trường tình thương của thầy Tư, người dân không biết phải xoay xở thế nào để nuôi con vì ở đây nhà nào cũng sinh nhiều.
“Bắt tay gây dựng một mái trường, chăm lo quần áo, sách vở và nuôi ăn ngày 3 bữa cho gần 300 người, không dễ chút nào”, thầy giáo Nguyễn Minh Luân nói. Dứt lời, thầy giáo trẻ vội vã xách cặp lên lớp. Trong phòng học đơn sơ giữa bốn bề là biển nước, những học sinh bé nhỏ, ánh mắt ngây thơ đứng dậy lễ phép chào thầy. Gió chiều lồng lộng, len qua khung cửa sổ, lùa trên những trang sách, mát rượi. Tiếng học bài đánh vần của trẻ thơ như hòa cùng âm thanh lao xao của sóng nước Biển Hồ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.