Lo dịch bệnh, nhiều trường chủ động mời phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/03/2019 15:12 GMT+7

Sau vụ hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh khiến phụ huynh hoang mang, nhiều trường ở Hà Nội đã mời phụ huynh đến giám sát khâu giao nhận và chế biến thực phẩm cho bữa ăn bán trú tại trường.

Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh tại các địa phương, cũng như hàng loạt học sinh ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn thời gian qua, nhà trường đã đẩy mạnh việc thực hiện giám sát, giao nhận thực phẩm hàng ngày, đảm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng tuần, nhà trường đều mời cha mẹ học sinh bất kỳ lên cùng chứng kiến, cùng kiểm tra chất lượng thực phẩm do đơn vị cung ứng mang tới để chế biến cho trẻ những bữa ăn ngon miệng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học, theo bà Mai, nhà trường đã ký cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm với các công ty cung ứng có uy tín, đầy đủ tư cách pháp nhân, đầy đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, có cam kết về chất lượng sản phẩm khi đưa vào nhà trường.
Bà Mai cũng khẳng định nhà trường thực hiện nghiêm túc việc công khai thực đơn, tài chính hằng ngày, chú trọng cải tiến các bữa ăn, xây dựng thực đơn hạn chế sử dụng thịt lợn và phối hợp giữa các món ăn trong ngày cho hợp lý, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng theo từng độ tuổi của trẻ.
Phụ huynh trường Mầm non Bà Triệu tham gia giám sát việc giao nhận thực phẩm ở trường Ảnh T.N
Lãnh đạo trường Mầm non Họa Mi (quận Hoàn Kiếm) thì cho biết với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Ban Giám hiệu nhà trường đã rà soát, kiểm tra các khâu giao nhận thực phẩm, trao đổi trực tiếp với đơn vị cung ứng thực phẩm, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, nhà trường tăng cường vệ sinh trường học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học. Hạn chế tối đa món ăn chế biến từ thịt lợn, tăng cường các thực phẩm thay thế như thịt bò, thịt gà, cá, tôm, trứng, đậu phụ, vừng, lạc….
Bà Vương Hương Giang, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, khẳng định không phải khi có dịch bệnh xảy ra thì việc kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm trong bữa ăn trường học mới được Phòng GD-ĐT chỉ đạo thực hiện. Việc mời phụ huynh giám sát thực phẩm đưa vào nhà trường cũng là khâu bắt buộc đối với tất cả các trường có tổ chức bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra thì công tác này được tăng cường, nhấn mạnh hơn.

Cam kết với phụ huynh về bữa ăn an toàn

Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) còn trang bị máy móc hiện đại để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và lưu mẫu thực phẩm theo quy định chuẩn của Sở Y tế. Cán bộ giáo viên cùng ăn với học trò tại nhà ăn.
Trước tình hình dịch bệnh và những lo ngại của phụ huynh về bữa ăn học đường, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, đã trực tiếp viết thông báo gửi tới phụ huynh để phụ huynh yên tâm rằng nhà trường sẽ luôn thực hiện quy trình nghiêm ngặt tất cả các khâu trong bữa ăn học đường. “Bếp ăn trường là bếp ăn lớn, cung cấp hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Việc đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm”, thầy Khang nói.
Để kiểm định về an toàn thực phẩm, thầy Khang cho biết nhà trường không tự làm việc đó mà phối hợp với Phòng Y tế của quận. Hàng ngày, nhân viên của Phòng Y tế phối hợp với nhân viên chuyên trách của trường kiểm định kỹ lưỡng tất cả thực phẩm nhập về bếp ăn.
Học sinh được dạy về cách ăn uống vệ sinh, an toàn Ảnh T.N
Trước nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm đang bùng phát hiện nay, các trường đều cho rằng, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác khác nhau, nên chỉ đảm bảo an toàn về bữa ăn ở trường chưa đủ mà còn phải giáo dục, hướng dẫn phụ huynh và học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân.
Giáo viên của Trường mầm non Bà Triệu cũng như nhiều trường khác luôn phải nhắc nhở, hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống sôi...
Còn Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) với đặc thù lứa tuổi lớn hơn, đã biết tự mua quà vặt để ăn nên phải tập huấn cho học sinh chỉ ăn những thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm được sản xuất từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, các loại thịt nguội… phải có nhãn mác, nơi sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh: "Không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán, trong đó có sán lợn. Do vậy, cần tuyên truyền hướng dẫn cho người dân thói quen ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn”…, ông Phong lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.