Lớp học... 1.000 đồng

08/05/2008 22:54 GMT+7

Xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) là vùng kinh rạch chằng chịt, đi lại cách trở nên không ít trẻ em phải bỏ dở việc đến trường. Có hai vợ chồng ông giáo già thương trẻ vùng sâu đã đứng ra mở lớp học tình thương...

Phải qua nhiều chuyến đò và những con đường sình lầy, chúng tôi mới tới được lớp học tình thương nằm gần cuối biển ở ấp Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang). Mấy năm trước ở xã có nhiều trẻ em nghèo sớm bỏ học vì cha mẹ đưa đón con tới trường bữa được bữa không, còn cho con đi học bằng đò dọc thì quá tốn kém.

Hè năm 2001, vợ chồng ông giáo Trần Văn Nhâm - Lê Ngọc Lệ từ TP Rạch Giá xuống Tân Thạnh sinh sống, đã mở lớp dạy kèm cho trẻ nhỏ gần nhà. Thấy con cháu học với ông Nhâm mau tiến bộ lại biết lễ phép nên nhiều người trong xóm cảm mến, đề nghị vợ chồng ông mở hẳn lớp dạy học. Thương trẻ em nghèo ham học, ông Nhâm đã chấp nhận làm thầy giáo làng. Ngày 25.8.2001, 34 hộ dân ấp Xẻo Nhàu A đã đồng loạt ký đơn xin bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Giáo dục huyện An Minh cho phép mở lớp dân lập, dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 3; khi nào có trường học của Nhà nước thì sẽ đóng cửa lớp học này. Trước yêu cầu chính đáng của bà con và hai người đứng lớp - vợ chồng ông giáo Nhâm cũng từng dạy học nên Phòng Giáo dục An Minh chấp thuận.

Đón học trò đến lớp - Ảnh: Tiến Trình

Ông Nhâm đã ngăn căn nhà tranh vách lá thành phòng học; bàn ghế thì phụ huynh học sinh đốn cây phụ cất. Trên 50 học sinh áo quần có gì mặc nấy, nhiều em quá nghèo cứ chân đất tới học nhà ông. Lúc đó gia cảnh ông Nhâm cũng khó khăn nên mỗi ngày dạy ông thu 500 đồng, riêng những học sinh nhà quá nghèo ông không thu đồng nào. Từ năm 2002 trở đi, cuộc sống khá hơn nên vợ chồng ông quyết định không thu tiền học và đổi tên lớp dân lập thành lớp học tình thương. Hiện tại, mỗi tháng học sinh chỉ đóng 1.000 đồng, em nào nghèo quá thì miễn. Số tiền này ông Nhâm dùng để mua phấn, viết và nước uống phục vụ học sinh. Vợ chồng giáo Nhâm dạy theo đúng giáo trình của Bộ GD-ĐT, tận tình uốn nắn học trò từ cách viết chữ, phát âm cho đến lễ phép nên bà con rất an tâm. Ban đầu chỉ vài chục học sinh, nay đã có trên 100 em. Từng học kỳ, vợ chồng ông đều tổ chức thi, ghi điểm, phê học bạ đều đặn cho học sinh nên học xong lớp 3 ở "trường" ông Nhâm, các em có thể học tiếp lên lớp 4 ở các trường tiểu học nhà nước.

Nói về lớp học của vợ chồng ông giáo Nhâm, chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh em Trần Thanh Sang, năm nay học lớp 2, tấm tắc: "Thằng Sang siêng học và lễ phép lắm, nó viết đọc chữ trôi chảy. Nói thiệt, có vợ chồng chú Nhâm ở đây bà con vững bụng, không lo con cháu bị mù chữ nữa".

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.