Lớp học của bệnh nhi ung thư

27/11/2016 08:17 GMT+7

Suốt 8 năm qua, một lớp học nhỏ nằm lọt thỏm trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là chỗ dựa tinh thần dành cho hàng trăm bệnh nhi ung thư.

Ở lớp học ấy, có những băn khoăn, trăn trở và cả nước mắt của những thầy cô giáo. Ở đó có những ước mơ bình dị vừa tròn trịa vừa dang dở của các học sinh đang ngày ngày gồng mình chiến đấu với bệnh tật.
Vừa học vừa... truyền nước
Đúng 14 giờ, không có tiếng trống vào lớp, cũng chẳng có bất kỳ âm thanh báo hiệu nào nhưng lần lượt từ các phòng bệnh viện (BV), nhiều bệnh nhi ở tầng 2, khu B của BV nhanh chóng bước vào “phòng sinh hoạt”, căn phòng rộng chừng 20 m² nơi cô giáo Phấn và các tình nguyện viên đã xếp sẵn bàn ghế, tập vở và bút tô màu.
Có em còn khỏe thì tự đến lớp, có em được ba mẹ cõng đến với dây nhợ, bình truyền dịch treo lủng lẳng; có em sức khỏe yếu không đi được thì tình nguyện viên đến tận giường bệnh cõng đi. Nét mặt của các học sinh xanh xao, nhợt nhạt vì bệnh tật hành hạ nhưng không lúc nào miệng các em thiếu đi nụ cười.
Trong căn phòng nhỏ hẹp, các bệnh nhi bắt đầu tập viết, đánh vần, làm toán, tô vẽ... Cô Phấn dạy các em đánh vần; cầm tay các bệnh nhi rèn chữ...
Các bệnh nhi say mê tô màu ở lớp học
300 bệnh nhi từng là “cựu học sinh”
Chính nơi đây đã cho tôi cảm giác yên bình trong bộn bề lo toan của cuộc sống. Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những điều đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự
Đinh Thị Kim Phấn
Lớp học được chia thành hai khu vực - một khu là nơi các cô giáo và tình nguyện viên dạy học cho các học sinh, một khu dành để sắp xếp sách vở, bút màu. Trong đó, một khu “tôn nghiêm” là nơi có hơn 300 tập vở lớp cũ lớp mới được xếp ngay ngắn và đặt ở vị trí cao nhất trong lớp học. Đó là những cuốn tập dang dở của hơn 300 bệnh nhi từng là “cựu học sinh” của lớp. “Đó là những tập vở của các em bệnh nhi đã mất, chỉ có một số ít được đưa về nhà chữa trị. Mới đây có một em trở lại BV sau khi đưa về nhà. Em ấy lại tiếp tục đến lớp và dùng tập cũ của mình 4 năm trước. Đó là trường hợp đầu tiên ở lớp học này”, cô giáo Phấn chia sẻ.
Ở một góc phòng học, em Vương Hữu Lộc (15 tuổi, quê Đồng Nai, bị u não) ngồi đánh vần từng từ tiếng Anh trong khi phía trên là bình truyền dịch nhỏ từng giọt xuống cổ tay em đang băng trắng xóa. Mỗi khi có ai đó ngang qua hỏi han, em lại ngẩng đầu cười tươi và nghêu ngao vài câu hát tiếng Anh thay cho lời chào đáp lễ. Lộc cũng như bao bệnh nhi khác trong lớp học này, cũng có ước mơ, một ước mơ thật hồn nhiên, trong sáng: “Em sẽ trở thành ca sĩ. Em muốn hát cho thầy, cô và tất cả mọi người nghe. Anh tin em đi. Một ngày nào đó, khi anh đi ngoài đường anh sẽ thấy dòng chữ “ca sĩ Vương Lộc” trên băng rôn được người ta dán khắp nơi trên thành phố này”, Lộc hồ hởi.
Khi hỏi về ước mơ của em Nhật Tân (13 tuổi, quê Cà Mau), bị khối u cột sống, em nói: “Ước mơ của em là sớm khỏi bệnh để được đi học lại”. Nhìn thân hình nhỏ nhắn, gầy nhom, làn da xanh nhợt, không ai nghĩ rằng em từng là một học sinh cấp hai. “Khi phát hiện bệnh thì em đang học lớp 7. Em vào BV được hai tháng rồi. Thấy mấy bạn học lớp này cũng vui nên em nói mẹ cõng tới để tô màu, làm toán”, Tân đượm buồn.
Phía bên ngoài phòng học, nhiều phụ huynh có con 3 - 4 tuổi, tay bồng con tay cầm bình truyền dịch, bình truyền tiểu cầu... ráng đứng cho thật gần lớp học để con được nhìn rõ các anh chị đang ê a tập đánh vần, làm toán. Trong vòng tay của mẹ, bé Tường Vi (4 tuổi, quê Đắk Lắk), bị ung thư máu, chốc chốc lại đập tay liên tục vào cửa kính của phòng học, miệng nói: “Học bài. Học bài”. Bé được mẹ bồng vào lớp để tô màu khi trên tay vẫn còn băng trắng với bình truyền tiểu cầu màu vàng đục đang treo lủng lẳng, nhỏ từng giọt phía trên. Vào lớp, bé Vi cầm bút liên tục tô tô vẽ vẽ, miệng cười tươi như vừa tìm thấy được điều gì đó kỳ diệu.
Chị Lý (34 tuổi, mẹ Vi) kể: “Lúc bé đi học được một tháng, biết tô màu thì phát hiện bệnh nên đưa đến đây. Giờ cứ tới cuối tuần là bé lại đòi đến lớp để tô màu”.
Bên ngoài lớp nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi cũng háo hức, chăm chú theo dõi các anh chị đang tập đánh vần
Những bệnh nhi quả cảm
Trải qua nhiều thế hệ học sinh là bệnh nhi ở BV Ung bướu, mỗi trường hợp là một hoàn cảnh đặc biệt nhưng với cô Phấn và các tình nguyện viên, câu chuyện về cậu bé Hồ Khương Đằng (quê Long An) làm họ nhớ mãi.
4 năm trước, bé Đằng được phát hiện ung thư xương phải vào BV Ung bướu TP. Trong thời gian chữa trị, Đằng tìm đến lớp học của cô Phấn. Trải qua nhiều lần phẫu thuật, Đằng mất lần lượt chân trái, chân phải, rồi cánh tay phải, chỉ còn lại cánh tay trái, nhưng em vẫn đều đặn tới lớp và miệng tươi cười mỗi khi gặp thầy cô trong lớp học rèn chữ ở BV. “Em ấy có cách viết văn rất hiền hòa, bình dị đúng chất của một người đồng bằng Nam bộ. Em tâm sự rằng chỉ ước ao có một mái ấm gia đình, có cha mẹ. Mỗi ngày em sẽ ở nhà chờ cha mẹ đi làm đồng về. Hạnh phúc với em chỉ như vậy thôi”, cô Phấn nghẹn ngào.
Không lâu sau, cậu học trò mạnh mẽ, chăm chỉ của cô Phấn ra đi, để lại bao tiếc thương cho gia đình và thầy cô trong lớp học đặc biệt ở BV. Cô Phấn nói rằng khuôn mặt thiên thần, tươi sáng của cậu học trò quả cảm khiến cô nhớ mãi. “Khi ra đi, em ấy không phải là chiếc lá vàng chao đảo cuối mùa thu. Em tinh khôi với đôi mắt sáng và nụ cười trong veo luôn gửi gắm ước mơ và hy vọng. Nhiều năm qua tôi đã được sống trong niềm hy vọng đáng yêu của Đằng và các em học sinh đặc biệt ở lớp học này”, cô Phấn nói và cho biết lý do mình gắn bó với các bệnh nhi suốt 8 năm qua: “Chính nơi đây đã cho tôi cảm giác yên bình trong bộn bề lo toan của cuộc sống. Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những điều đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự”. Với cô Phấn, không chỉ có em Đằng mà mỗi học sinh ở đây khi đến lớp với lỉnh kỉnh chai lọ thuốc, dây nhợ trên tay đều là những “chiến binh” thực thụ trong cuộc chiến cam go, dai dẳng với bệnh tật. Mỗi học sinh là một chiến binh.
Cô giáo về hưu yêu nghề
Sau nhiều lần làm tình nguyện ở BV Ung bướu TP.HCM, cô Đinh Thị Kim Phấn (60 tuổi, cựu giáo viên Trường tiểu học Đuốc Sống, Q.1, TP.HCM) “bén duyên” với các bệnh nhi. Cô Phấn là một trong những người thành lập và gắn bó với lớp học suốt 8 năm qua ở BV Ung bướu TP. Ban đầu, cô vào tận giường bệnh để dạy bệnh nhi đánh vần, viết chữ. Sau đó, cô được lãnh đạo BV sắp xếp cho một căn phòng để tiện việc dạy học. Từ đó, cứ đều đặn vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần, cô Phấn và các tình nguyện viên lại đến BV dạy học cho các bệnh nhi từ lớp 1 đến lớp 9 đang điều trị ở đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.