Mê hồn trận giáo trình giảng dạy tiếng Việt

29/05/2005 22:13 GMT+7

Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không phải chỉ mới xuất hiện gần đây - khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Gần 40 năm qua, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, việc học và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã có nhiều thay đổi.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc dạy và học tiếng Việt bước vào giai đoạn mới khi các cơ sở đào tạo không dừng lại ở các khóa học ngắn hạn và trung hạn mà có cả chương trình cử nhân chính quy. Đối tượng theo học là sinh viên ngành Việt Nam học ở các nước, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện tại ở TP.HCM, Trường ĐH KHXH-NV đào tạo ngành Việt Nam học với khoảng 70 học viên, Trường ĐH Sư phạm đào tạo ngành Tiếng Việt cho vài chục học viên các nước. Vài năm gần đây, các trường lại có thêm chương trình đào tạo liên kết. Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM kết hợp với Trường ĐH Pusan (Hàn Quốc) mở chương trình đào tạo 2+2, nửa thời gian học ở Hàn Quốc, nửa còn lại học tại Việt Nam. Trường cũng ký kết thỏa thuận với Trường ĐH SIT (Mỹ) hằng năm đào tạo cấp chứng chỉ môn Tiếng Việt  cho các sinh viên của trường này vì tiếng Việt là một trong các môn học tự chọn trong chương trình đào tạo. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng ký kết với Trường ĐH Sư phạm Vân Nam (Trung Quốc) mở trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại Trung Quốc...

Hiện nay việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài phát triển khá rầm rộ. Dù Hà Nội là nơi khởi nguồn việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhưng TP.HCM lại là nơi phát triển mạnh mẽ nhất phong trào dạy và học tiếng Việt. Mỗi năm, chỉ riêng Trường ĐH KHXH-NV TP Hồ Chí Minh, có trên 1.000 lượt học viên theo học các lớp trung hạn, ngắn hạn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Hơn 10 năm qua, có trên 40 quốc gia có người theo học tiếng Việt tại Trường ĐH KHXH-NV. Ở các trung tâm khác, mỗi nơi hằng năm cũng có vài trăm lượt người theo học.

Giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện rất đa dạng nhưng hầu như chưa có sự kiểm định chất lượng, đánh giá thống nhất. Theo ông Nguyễn Văn Lịch - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt cho người nước ngoài Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM - hiện  nay trường đã biên soạn và xuất bản 4 giáo trình tiếng Việt từ sơ cấp đến trung cấp, đến năm 2006 trường sẽ biên soạn thêm 2 tập 5, 6 để hoàn thiện toàn bộ giáo trình. Cô Dư Ngọc Ngân - cán bộ khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết trường sử dụng nhiều giáo trình, kể cả giáo trình đại học nhưng luôn điều chỉnh và biên soạn lại cho phù hợp với yêu cầu của từng loại học viên. Một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thừa nhận: "Giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay rất đa dạng, có gần cả trăm bộ giáo trình từ trong nước đến ngoài nước. Phần lớn các trung tâm ở TP.HCM đều có sử dụng giáo trình của Trường ĐH KHXH-NV". Nhiều giáo viên cho biết  các trung tâm thường tập hợp những cái hay từ các giáo trình đang lưu hành làm thành giáo trình của riêng mình. Nhưng trên thực tế, theo các giáo viên này, chưa có một giáo trình nào được xem là hoàn hảo. Chẳng hạn giáo trình của các trường ĐH Hà Nội thường quá hàn lâm, hoa mỹ nên không phù hợp với nhu cầu học là để giao tiếp hằng ngày. Giáo trình của Việt kiều có ưu điểm về mặt cấu trúc nhưng từ ngữ lại quá cũ...

Giáo trình đa dạng, giáo viên cũng đa dạng không kém. Phần lớn giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong các trường đại học đều tốt nghiệp khoa Ngữ văn hoặc khoa Ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tốt nghiệp các ngành không liên quan gì đến việc dạy tiếng nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Trước đây cũng có một vài lớp hướng dẫn  phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhưng phần lớn những người đứng lớp hiện nay đều dựa vào kinh nghiệm là chính. Ông Nguyễn Văn Lịch cũng thừa nhận "nguồn giáo viên ở trường chủ yếu từ khoa Ngữ văn và Ngoại ngữ nên đã có căn bản cộng thêm sự kèm cặp của giáo viên nhiều kinh nghiệm là có thể giảng dạy".

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.