Mong những lớp mầm non rộn tiếng cười con trẻ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/05/2018 14:52 GMT+7

Sau các vụ bạo hành trẻ em rúng động đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều phụ huynh cho biết mong muốn con họ được an toàn, vui vẻ, hạnh phúc ở những lớp mầm non , chứ không phải những kiến thức con được dung nạp mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, 33 tuổi, trú đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, TP.HCM gửi con gái 2 tuổi tại một trường mầm non tư thục gần sân bay Tân Sơn Nhất. Không gửi con từ sáng tới chiều, mỗi ngày chị cho con làm quen với cô giáo và các bạn chỉ 4 tiếng buổi sáng, trưa là đón về.
“Dần dần khi con quen với trường lớp, cô giáo và các bạn, tôi sẽ gửi con cả ngày. Tôi mong con đi học trong tâm lý vui vẻ, ngày nào cũng muốn được đến lớp để gặp các bạn. Trước khi gửi gắm con, tôi đã tìm hiểu kỹ trường lớp nên yên tâm hơn”, chị Hiền nói.
Anh Phạm Văn Trung, 40 tuổi, trú đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho hay thời gian đầu khi con trai 3 tuổi và con gái 2 tuổi của anh cùng đi học mầm non, anh đã xin các cô giáo để anh và vợ "được học" cùng con một số buổi đầu tiên để con không cảm giác sợ hãi, bỡ ngỡ. Dần dần, các buổi anh tham gia ít đi, con anh cũng tự tin hơn trong lớp.
“Tôi mong con khỏe mạnh, được các giáo viên thương yêu, trở thành em bé nhân hậu, ngoan ngoãn. Tôi chưa quan tâm lắm đến việc các con sẽ học cái gì, miễn các con vui vẻ là được. Tôi biết các cô giáo đều hết sức áp lực, mệt mỏi, tuy nhiên mong các cô luôn yêu thương các cháu”, anh Trung nói.
Chị Nguyễn Phương Thảo, giáo viên Trường mầm non Viglacera Hạ Long, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cho hay cũng có con gái 5 tuổi, chị không mong con phải được học kiến thức các môn trước khi vào lớp 1: “Hơn hết, tôi và nhiều phụ huynh khác đều mong con ngoan ngoãn, không quấy khóc, thương yêu cô giáo, được cô giáo chăm sóc chu đáo”.
Phụ huynh mong con vui vẻ, hạnh phúc trong các lớp mầm non Thiên Hà
Theo chị Thảo, mỗi giáo viên mầm non sẽ có lúc stress vì công việc quá tải, tuy nhiên, khi nhớ về nụ cười của các trẻ, cái ôm hôn của trẻ dành cho mình, đó là liều thuốc để quên đi những mệt mỏi, vất vả.
Chị Ngô Thị Thu Trang, giáo viên Trường mầm non tư thục Búp Măng Xanh, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cũng đồng tình với quan điểm trên. “Thật sự công việc của chúng tôi rất áp lực. Nhiều lúc thấy các con cùng đồng thanh khóc lớn, mình không thể dỗ được cũng đành khóc theo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi đã chọn công việc này, mỗi giáo viên nên yêu thương các cháu như con của mình. Các cháu bé khi đến trường, các cô luôn phải tạo không khí lớp học nhộn nhịp, vui vẻ. Các cô nên tổ chức các trò chơi, trò chuyện với trẻ, tổ chức các hoạt động cho trẻ để các con thêm yêu trường lớp”, chị Trang nói.
Chị Trần Thị Thuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho hay chị từng thực hiện một khảo sát trên trang cá nhân của mình về việc các phụ huynh mong mỏi gì khi gửi con tại trường mầm non để có thể làm tốt hơn công việc của mình. Bản thân chị Thuyết nhận được khá nhiều câu trả lời, “mong con khỏe mạnh”, “mong con sống nhân hậu”, “mong con nhanh nhẹn, hoạt bát”…
“Là người mẹ của hai con nhỏ, từng là giáo viên mầm non, bây giờ làm hiệu trưởng, tôi luôn cho rằng ngôi trường mầm non tuyệt vời nhất sẽ phải an toàn, không có bạo hành, không gây tổn thương cho trẻ, sau đó là việc trẻ được vui vẻ, hạnh phúc. Kế tiếp mới là chương trình học, cơ sở vật chất, thiết bị nhà trường, đội ngũ cán bộ giáo viên chất lượng cao”, chị Thuyết nói.
Các bé mầm non rất cần sự yêu thương của cô giáo Thiên Hà
Theo chị Thuyết, để trường mầm non an toàn cho trẻ, không có bạo hành, cần chữ tâm của mỗi cán bộ, giáo viên, bảo mẫu: “Nhiều người gắn bó với nghề này vì rất yêu và thương trẻ con, nhiều người đã không vượt qua được bản thân vì phút nóng giận, stress. Tôi luôn nói với các giáo viên tại trường, đã chọn làm cô giáo mầm non cần yêu trẻ như chính con mình”.
Chị Thuyết cho biết thêm, để mỗi lớp, mỗi trường mầm non tràn đầy tiếng cười con trẻ, trẻ cảm thấy hạnh phúc khi đến lớp cần có sự chia sẻ, thấu hiểu, nắm bắt tâm lý tốt của các giáo viên với trẻ. Đồng thời, chị Thuyết nhấn mạnh vòng tròn kết nối giữa trường mầm non và gia đình.
"Bố mẹ nói với giáo viên về tính cách, sở thích, thói quen của con để các cô thêm hiểu và quan tâm tới con tốt nhất. Giáo viên cũng chia sẻ những câu chuyện về con để bố mẹ biết để an tâm. Đồng thời, khi các con về gia đình rồi, chúng tôi cũng nhắn nhủ các bố mẹ giữ cho mái ấm của mình rộn tiếng cười, để các con thấy rằng đi học cũng vui như ở nhà mình vậy", chị Trần Thị Thuyết trao đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.