Nặng dạy chữ, nhẹ dạy người

26/11/2009 00:19 GMT+7

Sáng qua 25.11, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm trong HS phổ thông.

Ra đường... coi như không quen biết

Ông Phùng Khắc Bình - Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT) nhận định: một số biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống đáng lo ngại trong một bộ phận HS phổ thông hiện nay như thiếu tôn trọng thầy cô giáo, coi thường kỷ luật nhà trường, thường xuyên nói tục, chửi thề. Số liệu từ một cuộc điều tra trong 500 HS ở Q.6, TP.HCM cho thấy có hơn 32% HS có thái độ vô lễ với thầy cô giáo; nhiều HS chỉ chào thầy cô khi ở trong trường còn ra đường thì coi như không quen biết; 38% HS thường xuyên nói tục...

Từ những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận HS trung học sa đà vào tệ nạn xã hội và phạm tội. Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho hay: “Số lượng người chưa thành niên, HS, SV phạm tội diễn biến khá phức tạp, và nhìn chung có xu hướng tăng rõ rệt trong những năm gần đây”

Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho HS về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV

Cơ quan công an cho biết hiện nay có khoảng gần 20.000 thanh thiếu niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời, thông qua mạng internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản... Ở một số nơi, vẫn còn tình trạng HS mang hung khí đến trường, sẵn sàng tụ tập đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn cá nhân giữa HS cùng trường hoặc tổ chức đi đánh nhau với HS trường khác.

Theo báo cáo của 38 sở GD-ĐT, từ năm 2003 đến nay có hơn 8 nghìn HS tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.

Cần xem lại phương pháp giáo dục!

Ông Phùng Khắc Bình nhận định: “Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người; chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức HS. Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, dễ có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Một bộ phận thầy cô giáo, lẽ ra phải là tấm gương cho HS về đạo đức, lối sống thì lại vi phạm chuẩn mực đạo đức” 

Theo Bà Đỗ Thị Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội, hiện tượng vị thành niên gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong các mối quan hệ xã hội ngày càng tăng. Trên 95% các em chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, hơn 77% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về điều này; có 76,4% các em trả lời rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống; hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống.

Cùng chung nhận định trên, Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ nhận xét: nhà trường mới chỉ quan tâm đến việc dạy kiến thức, chưa kịp thời có biện pháp quan tâm đúng mức trong việc quản lý, giáo dục phát triển tâm sinh lý, đạo đức lối sống, ý thức tuân thủ và chấp hành theo pháp luật. Nhiều trường học không có biện pháp, kế hoạch cụ thể trong việc phối kết hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội, nhà trường với chính quyền và công an địa phương trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ các em; cho rằng công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là công việc của lực lượng công an là chính, nhà trường chỉ phối hợp khi có yêu cầu.

Theo chị Lâm Phương Thanh - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, cả nước có hơn 600 huyện nhưng chỉ hơn 200 huyện có nhà thiếu nhi, thiếu nơi sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ. Việc giáo dục pháp luật chưa được chú trọng khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên phạm tội xử nặng rồi mới biết là tội.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: nội dung chương trình giáo dục đạo đức, công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội, địa phương...

Bà Lê Nguyên Hương - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho rằng cần phải xem xét lại phương pháp giáo dục đạo đức trong nhà trường. Theo đánh giá của nhiều người, chương trình, sách giáo khoa nặng về lý thuyết, nhẹ về giáo dục kỹ năng sống đã không tạo được hiệu quả trong việc hình thành nhân cách HS. “Đã đến lúc thay vì dạy HS những bài học đạo đức xa vời, các nhà trường cần giáo dục cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay giáo dục về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội” - bà Hương đề xuất.

Tăng cường nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường để giúp HS phát triển lành mạnh là một trong những giải pháp mà ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra tại buổi hội thảo. Còn đại diện Bộ Công an đề xuất: mô hình liên kết “trường - phường”  để phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong HS, SV cần có quy chế phối hợp và văn bản thống nhất để được triển khai trên toàn quốc. 

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.