Hiện nay, có không ít phụ huynh cho con học thêm vì thấy người khác làm vậy.
Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM, khẳng định: “Cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Chỉ những học sinh yếu kém mới nên học thêm, giúp các em lấy lại căn bản”. Ông Tài nhấn mạnh: “Ở tiểu học chỉ là kiến thức căn bản, đi học về, có người nhà dò bài là ổn. Có thể học thêm ở bậc THCS, THPT”.
Còn ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Phụ huynh đôi khi nóng ruột khi con bị điểm kém rồi tìm thầy cô dạy tại nhà, chở đến trung tâm… với mong muốn cải thiện tình hình. Đây là việc làm thiếu khoa học”. Ông Sơn khuyên: “Hiện nay có rất nhiều kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh như website trường, tin nhắn, thư điện tử của giáo viên… Trước khi muốn con học thêm, phụ đạo nên nhờ giáo viên chủ nhiệm tư vấn”.
Ở góc độ chuyên môn, thạc sĩ Nguyễn Tường Linh, khoa Mầm non trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Chúng ta đang dùng chung một bộ sách giáo khoa. Đối với các lớp 2 buổi/ngày sẽ giải quyết được kiến thức tại trường. Còn những lớp 1 buổi/ ngày, có khả năng không tải nổi kiến thức nên dẫn đến chuyện học thêm. Có nhiều phụ huynh cho con học thêm tất cả các môn mà không cần quan tâm đến tình trạng học lực của các em. Việc làm này là không nên. Cần xem xét môn nào các em tiếp thu ổn, môn nào cần bổ sung, sau đó mới quyết định học thêm môn nào”.
Không nên học trước chương trình
Vào mùa hè, theo thạc sĩ Tường Linh, nếu để con đi học thêm thì không nên cho con học trước chương trình mới. Vì khi nhập học thực sự, các em sẽ chủ quan: “vấn đề này mình đã học rồi nên không cần nghe”. Hè nên cho trẻ học kỹ năng sống, học bơi, vẽ… thư giãn, để chuẩn bị năm học mới tốt hơn.
Cho con học quá nhiều đôi khi dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh. Bác sĩ Phạm Văn Trụ - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, phân tích: “Trẻ trong độ tuổi đi học chịu stress kém hơn người lớn. Vì não còn non, chưa phát triển đầy đủ, trẻ chưa kiểm soát được hoàn toàn xung động hành vi. Nếu phụ huynh để ý sẽ dễ dàng thấy được, trẻ bị stress vì áp lực học hành có thể sẽ vẽ bậy vào tập, xé sách, bực tức vứt những đồ chơi mà trước đó trẻ yêu thích” ... Vì thế, bác sĩ Trụ khuyên: “Nên cho trẻ học thêm vừa phải, cần dành thời gian cho trẻ vui chơi, giải trí. Khi tinh thần thoải mái, chỉ cần học trong thời gian ngắn nhưng sẽ tiếp thu nhiều. Trái lại, khi các em căng thẳng thì học nhiều thì kết quả tiếp thu kém”.
Minh Luân
Bình luận (0)