Nếu không chuẩn bị chu đáo sẽ nguy hiểm

18/04/2017 09:01 GMT+7

Các ý kiến đều cho rằng trong bối cảnh phụ huynh than phiền về sự quá tải của chương trình, hàn lâm trong kiến thức thì đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại giữa mong muốn và thực tế.
Chương trình quá nặng ở bậc tiểu học
So với dự thảo công bố vào năm 2016 thì dự thảo lần này đã hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, so với chương trình giáo dục hiện hành thì chương trình mới khá nặng, đặc biệt đối với bậc tiểu học.
Ở bậc học này, học sinh (HS) vừa học vừa chơi, nhận thức chưa đầy đủ do vậy không nên yêu cầu cao. Cần thông qua hoạt động chơi để học và chọn lựa các môn thật sự cần thiết chứ không nên quá nhiều môn học như dự thảo đưa ra (8 môn bắt buộc cùng các môn tự chọn, môn bắt buộc có phân hóa). Ngoài toán, tiếng Việt, nên chọn những môn học gần gũi với lứa tuổi tiểu học, với thế giới xung quanh như đạo đức, khoa học thường thức, giáo dục thể chất… Các môn cần tự chọn theo năng khiếu là tin học, mỹ thuật, âm nhạc… Nội dung các kiến thức, yêu cầu kỹ năng cũng ở mức độ vừa phải, nền tảng, tránh việc tải nhiều mà tiếp thu không được bao nhiêu.
Đổi mới giáo dục không chỉ ở chương trình, sách giáo khoa mà còn vấn đề quan trọng là đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Bộ cần chỉ đạo rà soát cụ thể về số lượng giáo viên, chỉ đạo các trường sư phạm phối hợp với các sở xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp với chương trình đổi mới. Các việc liên quan đến đội ngũ giáo viên phải thực hiện hoàn tất trước khi triển khai thực hiện chương trình. Dù có hay đến đâu mà đội ngũ truyền tải không tương thích thì hiệu quả chương trình sẽ không cao. Cần giải quyết đồng bộ các vấn đề giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học… Dự kiến đến năm 2018 chính thức thực hiện mà đến giờ này còn ngổn ngang khiến nhiều người lo lắng đến hiệu quả.
Nguyễn Văn Ngai
(Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Bất cập khi tích hợp ở bậc học này, phân hóa ở bậc học kia
Hiện tại, theo dự thảo chương trình cấp THCS môn khoa học tự nhiên được tích hợp nhưng lên chương trình THPT thì phân hóa thành 3 môn vật lý, hóa học, sinh học để phục vụ cho việc định hướng nghề nghiệp của HS. Điều này rất bất cập và không đủ kiến thức để liên thông giữa 2 bậc học.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên đưa vào ngoại khóa có định hướng cho từng chủ đề. Ít nhất một học kỳ HS được trải nghiệm từ một đến hai lần theo từng chủ đề lựa chọn. Môn nghệ thuật khuyến khích HS lựa chọn theo chủ đề trong từng bậc học, không nhất thiết phải dàn trải kiến thức suốt 4 năm THCS.
Theo dự thảo, lớp 9 có học môn hướng nghiệp. Hiện tại các thành phố lớn HS vẫn phải thi tuyển sinh lớp 10 công lập, nhưng sau khi trúng tuyển lại được định hướng nghề nghiệp. Thiết nghĩ, ngay từ năm lớp 9 nên mạnh dạn phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Những HS không đủ lực nên mạnh dạn vào các trường nghề nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH về chủ trương chính sách khi học tập và đầu ra cho HS.
Nguyễn Văn Hùng
(Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, TP.HCM)

tin liên quan

Giáo dục Việt Nam xếp hạng mấy?

Một giảng viên hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Xã hội rất quan tâm đến giáo dục, nhìn đa chiều thì chất lượng giáo dục Việt Nam yếu hơn so với thế giới. Vậy so với châu Á thì giáo dục Việt Nam đang đứng hạng mấy?'.


Chương trình quá lý tưởng so với điều kiện thực tế
Từ dự thảo cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới tương tự chương trình các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là nội dung hướng nghiệp và lựa chọn môn. Tuy nhiên, với điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất trường, lớp của VN hiện nay, chương trình có phần quá lý tưởng, phần nào đó khá ôm đồm khi đề ra quá nhiều năng lực, phẩm chất đối với chân dung người HS mới.
E rằng thời điểm thực hiện hơi cập rập. Chương trình chưa hoàn tất, sách giáo khoa chưa có, giáo viên chưa tập huấn. Nếu không chuẩn bị chu đáo thì sẽ nguy hiểm, mất niềm tin của xã hội. Theo tôi, nên lùi lại ít nhất một năm để có thời gian chín muồi cho tất cả các yếu tố, nên bổ sung các nhà sư phạm tham gia viết sách chứ không chỉ là các nhà khoa học để tránh vấp phải những hàn lâm của chương trình hiện hành.
Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)
Nguy cơ chương trình quá tải ở tiểu học và THCS
Cần chú trọng thêm việc xây dựng đạo đức, tư tưởng, lối sống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cho HS. Phần này nên bắt buộc đưa vào những môn học như ngữ văn, giáo dục công dân, giáo dục khoa học xã hội... HS chúng ta thua kém những quốc gia khác vì người học thiếu sự trang bị về nền tảng cội rễ của văn hóa, thiếu cách ứng xử xuất phát từ bản sắc dân tộc...
Do giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp nên sức ép về gánh nặng chương trình bị dồn xuống giai đoạn một. Điều này dẫn đến nguy cơ về khả năng hạn chế tiếp nhận kiến thức cơ bản và quá tải cho HS tiểu học và THCS. Vì vậy, khi xây dựng chương trình môn học cụ thể để soạn sách giáo khoa cũng cần giới hạn lại kiến thức. Số môn học thì giữ nguyên nhưng nên giảm số tiết xuống.
Một số môn học và hoạt động giáo dục theo dự thảo có tính tích hợp. Nhưng nhà trường và giáo viên phổ thông bị động hoàn toàn, giáo viên chưa được trang bị kiến thức liên môn. Cho nên khi xây dựng chương trình cụ thể cho từng môn học, cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về môn, phần, số tiết, cách thức tiến hành...
Nên đưa hoạt động giáo dục định hướng nghề nghiệp thành một phần bắt buộc vào chương trình THCS (lớp 9) để phân luồng hợp lý sau khi học xong cấp này.
Theo dự thảo, sau khi hoàn thành các môn học thì nhà trường xét công nhận tốt nghiệp. Thiết nghĩ cũng nên có một đợt khảo sát tổng thể trước khi công nhận tốt nghiệp THPT cho HS. Việc này giao cho trường phổ thông, dưới sự quản lý của các sở giáo dục.
Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.