Nếu tôi rớt đại học...

20/07/2005 23:49 GMT+7

Cánh cửa ĐH - CĐ vốn chật hẹp, chỉ có khoảng 10-15% thí sinh dự thi trúng tuyển. Nhưng điều đó không có nghĩa tương lai sẽ đóng sầm lại trước mắt những thí sinh không may thi rớt ĐH - CĐ.

Nhiều phụ huynh và học sinh vẫn mang tâm lý muốn vào ĐH - CĐ bằng mọi giá nên sẵn sàng tốn thời gian và tiền bạc để "sôi kinh nấu sử", chờ năm sau thi tiếp (dù chưa hẳn đã trúng tuyển). Trên thực tế, có nhiều con đường sáng sủa để cho bạn trẻ lựa chọn phù hợp với khả năng của mình, tiết kiệm được cả thời gian lẫn chi phí. Chuyên đề giáo dục tuần này sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích để bạn trẻ biết rằng, không cần đỗ đại học, bạn vẫn có một tương lai thật tốt đẹp.

Trung học chuyên nghiệp - "đường vòng" để đến đích

Đa phần thí sinh khi chọn THCN đều trong tâm trạng chờ đợi sang năm thi lại, nhưng thật ra nếu chuyên tâm lựa chọn cho mình một ngành học thích hợp và có kế hoạch lâu dài thì vẫn có lợi. Kỳ tuyển sinh 2004, Mỹ Nh. (quê ở Kon Tum) thi trượt ĐH Nông Lâm và CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM nên cô quyết định tiếp tục thi vào Trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM, ngành Quản trị lưu trú và khách sạn. "Ban đầu mình cũng định sang năm thi lại, nhưng rồi thấy ngành này sau 2 năm ra dễ xin được việc, ngoài ra trong thời gian học còn có thể làm thêm trang trải chi phí nên học luôn đến giờ", Nhân bộc bạch. Ngoài chuyên môn, Nhân còn học thêm Anh văn vào buổi tối để hỗ trợ cho nghề nghiệp sau này. Ra trường đi làm, dành dụm tiền, quay trở lại học lên ĐH - đó là kế hoạch tương lai Nhân vạch ra cho mình. Còn thầy Trần Văn Hùng, Hiệu phó nhà trường cho biết: "Chúng tôi chú trọng đào tạo nghề, kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp học viên có thể tìm được việc ngay. Cũng rất vui là những năm qua, khoảng 95% các em ra trường đều có công ăn việc làm, chưa kể các em còn có thể học tiếp lên cao đẳng hay đại học qua các chương trình liên thông của trường với Học viện Du lịch Quế Lâm (Trung Quốc)...".

Quan niệm của hầu hết các bậc phụ huynh và học sinh là sau 12 năm đèn sách không phải chỉ để làm "thợ". Do đó, tinh thần "không làm thầy thì làm thợ" chưa được chúng ta tiếp nhận một cách thoải mái và lạc quan. Thầy Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, hằng năm, những công ty, xí nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhu cầu tuyển kỹ thuật viên, công nhân của trường rất nhiều. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có gần 200 công văn gửi đến trường "xin người", trong đó, có nhiều công ty lớn như Công ty Điện tử Samsung Vina, Tổng công ty Dược Việt Nam, Công ty cổ phần Viễn thông tin học bưu điện, Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn Tribeco... Như vậy, chỉ học 3 năm (hệ cao đẳng), 2 năm (hệ trung học kỹ thuật) hoặc 2 năm rưỡi (hệ công nhân kỹ thuật), khi ra trường, có đến 100% sinh viên có việc làm ngay, với mức lương khởi điểm ít nhất là 1 triệu đồng/tháng.

Cơ hội việc làm cho sinh viên một số trường trung cấp và cao đẳng thậm chí còn cao hơn so với những cử nhân đã tốt nghiệp đại học, trong khi thời gian học luôn ngắn hơn. Và xã hội luôn cần một công nhân tốt hơn là một kỹ sư tồi. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta nên biết điều chỉnh phù hợp giữa khả năng (thực tiễn) với ước mơ của mình.

Ngoài các trường đào tạo nghề như trên, ở nhiều trường đại học, cao đẳng cũng có bậc THCN, trong đó có thể liên thông từ THCN lên CĐ hay thậm chí lên tới ĐH. Như vậy, thay vì đi đường thẳng, thí sinh vẫn có thể đi đường vòng để đến đích. Chẳng hạn, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng vừa được Bộ GD-ĐT cho phép liên thông vượt cấp từ THCN lên ĐH ở 2 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện và Công nghệ điện tử - viễn thông. Đối tượng tham gia dự tuyển là thí sinh tốt nghiệp THCN hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc, có kinh nghiệm 2 năm (tốt nghiệp loại khá, giỏi được miễn điều kiện này). Học thêm 3,5 năm, thí sinh sẽ nhận được bằng đại học chính quy. Trường CĐDL Công nghệ thông tin TP.HCM có chương trình liên thông từ THCN lên CĐ trong nội bộ trường để lấy bằng CĐ cùng chuyên ngành. Một số trường khác cũng đang thực hiện thí điểm liên thông từ THCN lên CĐ như: ĐH Công nghiệp, ĐH Thủy sản Nha Trang, CĐ Nông Lâm, CĐ Giao thông vận tải... Riêng Trường CĐ Hoa Sen đang thực hiện chương trình kỹ thuật viên cao cấp các ngành như: kỹ thuật thương mại, kế toán - tin học, đồ họa - kiến trúc, thư ký y khoa... Ngoài văn bằng quốc gia, khi tốt nghiệp, học viên còn nhận bằng hợp tác có giá trị quốc tế và liên thông của Phòng Thương mại & Công nghiệp Versailles CCIV (Pháp) và Học viện Quản trị kinh doanh UBI (Bỉ). Thí sinh có thể tham gia thi tuyển nếu có bằng tốt nghiệp THPT hay nộp đơn xin xét tuyển nếu dự thi vào các trường ĐH - CĐ trên toàn quốc trong năm 2005 trước ngày 15.8. Dự kiến điểm chuẩn công bố vào giữa tháng 8 (xét tuyển) và thi tuyển vào cuối tháng 8.

Một số địa chỉ tham khảo

Trường ĐH - CĐ có chương trình liên thông:
1. Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng (98 Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh)
2. Trường ĐH Công nghiệp (12 Nguyễn Văn Bảo, Q.Gò Vấp)
3. Trường CĐ Hoa Sen (8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1)
4. Trường CĐDL Công nghệ thông tin (357/6B Trịnh Đình Thảo, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú).
5. Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (65 Huỳnh Thúc Kháng, Q.1): 12 - 13.8 thi trung học kỹ thuật, chỉ tiêu 1.500.

Trường THCN:
1. Trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM (23/8 Hoàng Việt, P.4, Q.Tân Bình): thi tuyển vào ngày 14.8 (môn Văn, tiếng Anh). Ngoài ra có những lớp dạy nghề ngắn hạn khai giảng theo từng quý.
2. Trường TH Công nghệ lương thực thực phẩm (296 Lưu Hữu Phước, P.15, Q.8): thi tuyển vào ngày 26.8 (môn Toán - Lý).
3. Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM (33 Vĩnh Viễn, P.2, Q.10): thi tuyển hệ trung học vào ngày 21 và 22.7 (môn Toán - Lý).
4. Trường Trung học tư  thục Tin học - Kinh tế Sài Gòn (140 Trường Sa, P.15, Q.Bình Thạnh): xét tuyển 950 chỉ tiêu.

17 câu hỏi cần trả lời trước khi chọn ngành học

Đây là những câu hỏi bổ ích trích từ trang web của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Thanh Niên xin trích ở đây để bạn đọc tham khảo.

Tìm trường phù hợp với sở thích và mục tiêu của bạn

1- Ngành học mà bạn muốn theo đuổi là gì?
2- Trường nào cung cấp chương trình học phù hợp với nguyện vọng của bạn?
3- Bạn phải chuẩn bị gì để đủ khả năng làm một công việc cụ thể?
4- Liệu các nhà tuyển dụng có chấp nhận chương trình đào tạo mà trường cung cấp không?
Chọn trường
5- Trường có uy tín và hoạt động có giấy phép?
6- Bạn phải đáp ứng yêu cầu gì của trường để được nhập học?
7- Bạn có thể chuyển kết quả học tập của bạn ở trường sang trường khác hay không?
8- Có vấn đề tội phạm ở trường không?
9- Có cần phải đến tham quan trường không?
Học phí
10- Bạn phải trả bao nhiêu cho chi phí học tập?
11- Trường có hỗ trợ tài chính cho bạn?
12- Bạn có phải ký tên vào hợp đồng tuyển sinh?
13- Trường sẽ thực hiện chính sách hoàn trả học phí như thế nào?
Những vấn đề cần quan tâm đặc biệt
14- Trường có đào tạo chương trình bạn chọn có thông qua hình thức đào tạo từ xa ?
15- Trường có hỗ trợ sắp xếp công việc làm thêm cho bạn?
16- Làm thế nào để tránh trường "dỏm" cấp văn bằng giả?
17- Đã có trường hợp sinh viên kiện cáo hay phàn nàn về trường chưa?

Nếu có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên, bạn có thể tự tin đăng ký nhập học tại trường phù hợp với sự lựa chọn của bạn. Nếu không, hãy khoan vội vàng. Hãy nhớ rằng một nền giáo dục bài bản sẽ giúp bạn có công việc tốt và thành công trong nghề nghiệp sau này. 

Kha
(dịch)

Vân Anh - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.