Chương trình diễn ra trong thời điểm chỉ còn 1 tuần nữa thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, đồng thời xét tuyển ĐH-CĐ, hàng loạt băn khoăn của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ.
Ngay phần đầu chương trình, ông Hồng Xuân Bình, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hậu Giang cung cấp các thông tin bổ ích về nhu cầu nhân lực trên địa bàn.
Ông Bình cho biết Hậu Giang sẽ phát triển mạnh về nông nghiệp với các loại cây trồng như lúa, cây ăn trái, thủy sản... do vậy, nhu cầu nhân lực sẽ tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các ngành chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm… Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung phát triển cơ khí, điện công nghiệp, tự động hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tỉnh còn có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với 4.300 doanh nghiệp trên địa bàn nên nhu cầu việc làm rất lớn.
“Học sinh hãy tự tin, nhu cầu nhân lực rất lớn. Đầu năm nay sở đã nhận được đề nghị tuyển dụng và đào tạo lên tới 12.000 vị trí việc làm, trong đó có 9.000 lao động phổ thông và còn lại là trình độ từ TC trở lên. Doanh nghiệp đưa ra rất nhiều điều kiện nhưng có 3 điều kiện cơ bản: kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm, ý thức tác phong công nghiệp và có ý thức vươn lên”, ông Bình nhấn mạnh.
Trước thông tin này, học sinh Lê Thị Như Ý (Trường THPT Vị Thanh, Hậu Giang) hỏi: “Công nghệ 4.0 đang phát triển thì em nên chọn ngành học nào để đáp ứng sự thay đổi lớn của công nghệ này?”. Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng có rất nhiều ngành nghề sẽ "ra khỏi cuộc chơi" và được điều khiển bởi hệ thống tự động. Do vậy học sinh có thể tập trung vào các ngành kỹ thuật như CNTT, điện tử, tự động hóa…
Đại diện Trường ĐH Cần Thơ bổ sung: “Công nghiệp 4.0 có những thứ rất gần gũi như nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi, cây trồng… là một ngành rất thiết thực với địa phương này”.
Học sinh Lê Hoàng Linh hỏi: “Em cần có năng lực gì để theo học ngành quản trị kinh doanh?”. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-marketing, cho biết đây là ngành có nhiều chuyên ngành như quản trị nhân lực, quản trị du lịch, nhà hàng khách sạn… Cần người có tư duy và năng động nhất định để định hướng và quản trị các hoạt động kinh doanh.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin thêm năm nay Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm thực hiện tuyển sinh theo đúng yêu cầu nhân lực giáo viên cho các địa phương trong 5-10 năm tới. Năm nay sẽ có điểm sàn riêng cho các trường sư phạm, điều này rất cần thiết nhưng sẽ khó khăn hơn cho thí sinh thi vào các ngành sư phạm.
Bình luận (0)