Ngành quản trị nhà hàng - khách sạn lên ngôi

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
26/05/2018 09:12 GMT+7

Ngành học quản trị nhà hàng - khách sạn đang được thí sinh lựa chọn nhiều nhất. Vì sao lại có xu hướng này?

Nhiều thí sinh nộp hồ sơ, điểm chuẩn cao
Tại Trường ĐH Văn Hiến, quản trị khách sạn vẫn đang là ngành thí sinh (TS) đăng ký nhiều nhất. Còn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các ngành được TS quan tâm nhiều nhất có nhà hàng - khách sạn. Hồ sơ TS đăng ký vào Trường ĐH Văn Lang tập trung vào khối ngành xã hội như nhà hàng - khách sạn, quan hệ công chúng, ngoại ngữ...
Năm 2017, các ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bất ngờ trở thành 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường là 21 điểm, tăng đến 6 điểm so với năm 2016, cao hơn điểm chuẩn của các ngành từng lên ngôi những năm trước khối sức khỏe, kinh tế. Trong đợt nộp hồ sơ vừa qua, hai ngành học này cũng đứng đầu về số lượng hồ sơ nộp vào trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng trước đây mọi người thường thích du lịch lữ hành hơn vì thích nghề hướng dẫn viên du lịch, cũng như chưa có cái nhìn thân thiện lắm với những người làm trong khách sạn. Tuy nhiên, hiện nay du lịch gắn liền với khách sạn - nhà hàng và các dịch vụ xung quanh. Xã hội đã quen dần, các nhà hàng - khách sạn - resort cũng được mở ngày càng nhiều. Đó là lý do nhiều TS lựa chọn các ngành học này.
Nhu cầu tuyển dụng cao

Theo số liệu từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn trong tháng 4 tăng gấp đôi tháng 3.2018. Các nhóm ngành có chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao trong tháng 4 gồm: nhân viên kinh doanh - bán hàng, dệt may - giày da, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn...
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm, trong thời điểm vừa qua, học sinh lựa chọn nhiều các ngành công nghệ - kỹ thuật, nhà hàng - khách sạn. Xu hướng chọn ngành học như vậy là hợp lý, phù hợp với xu thế xã hội hiện nay. Nhóm ngành nhà hàng - khách sạn đang cần nhiều nhân lực nên nhu cầu tuyển dụng thời gian vừa qua và sắp tới sẽ không ngừng tăng lên.
Số liệu từ Tập đoàn cung cấp bất động sản Savills cho thấy tại TP.HCM, nguồn cung phòng khách sạn tăng 2% theo năm, đạt trên 16.500 phòng từ 133 dự án, công suất thuê trung bình đạt 74%. Năm 2018, TP.HCM đặt mục tiêu chào đón 7,5 triệu khách quốc tế, tăng 18% theo năm. Đến năm 2020, 14 dự án mới sẽ cung cấp khoảng 3.500 phòng. Công bố mới nhất về báo cáo thị trường bất động sản ở Đà Nẵng của tập đoàn này cho thấy thành phố này đón 6,6 triệu khách du lịch năm 2017, tăng 19% theo năm. Trong đó, khách quốc tế tăng 37%. Trong năm 2018, có đến 2.300 phòng khách sạn thuộc phân khúc 4 và 5 sao gia nhập thị trường. Tổng nguồn cung 101 khách sạn từ 3 - 5 sao với khoảng 11.800 phòng.
Còn theo Cục Thống kê Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 31% theo năm. Có 44 dự án về khách sạn trong tương lai. Tổng nguồn cung đạt khoảng 10.000 phòng, tăng 1% theo quý và 9% theo năm.
Ông Trương Tấn Lợi, Phó giám đốc phụ trách sự kiện khách sạn Park Hyatt, cho rằng độ nóng của ngành này vẫn còn và sẽ tiếp diễn. Nhu cầu nhân lực ngành nhà hàng - khách sạn tăng lên trong thời gian qua là các dự án khách sạn, resort lớn ở Phú Quốc của tập đoàn nước ngoài và VN mọc lên khá nhiều. Trong khi đó, nguồn nhân lực để phục vụ cho các khách sạn, resort ở đây lại thiếu, đa phần phải tuyển dụng nhân lực từ TP.HCM. Lương trả cho các vị trí làm việc ở Phú Quốc khá cao nên nhiều người trẻ mới ra trường chấp nhận đi xa để làm việc.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng lưu ý đây là nghề xã hội cần, nhưng để thành công thì sinh viên phải học tập tốt, có đam mê. Nếu chỉ chọn học theo xu thế xã hội mà không đam mê, không phù hợp sẽ dễ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.