Nghi ngờ tính độc lập của hệ thống kiểm định chất lượng đại học VN

Hà Ánh
Hà Ánh
04/09/2019 09:45 GMT+7

Sáng 3.9, Thường trực Ủy ban Văn hóa , Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội) tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về thực hiện chính sách , pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH .

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, đề cập đến tính độc lập của hệ thống kiểm định.
Tiến sĩ Phương Anh nói: “Đã có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về sự độc lập thực sự của các trung tâm kiểm định VN. Mặc dù trên danh nghĩa hệ thống kiểm định của VN được cho là theo mô hình của Mỹ nhưng thực sự hệ thống kiểm định của VN hiện nay gần như do Bộ GD-ĐT kiểm soát tuyệt đối. Tất cả đều nằm trong tay của Bộ, được thực hiện thông qua cơ quan chuyên trách của Bộ là Cục Quản lý chất lượng giáo dục”.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Phương Anh, đa số các trung tâm kiểm định hiện nay đều là một bộ phận của các trường ĐH, với sự phụ thuộc rất lớn về tài chính và nhân sự. Sự thiếu độc lập của hệ thống kiểm định đã tác động tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả của việc triển khai điểm định trong hệ thống giáo dục ĐH.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu ý kiến: “Làm sao để không có chuyện các trường rỉ tai nhau nên chọn trung tâm này mà không phải trung tâm khác? Tại sao một trường chấp nhận mời trung tâm ở xa tới đánh giá dù tốn chi phí nhiều hơn, chắc hẳn phải có lý do nào đó”.
Còn tiến sĩ Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục, đặt vấn đề làm sao để tự chủ không rơi vào tùy tiện, không rơi vào trường hợp của Trường ĐH Đông Đô như vừa rồi. “Vụ việc Trường ĐH Đông Đô, các quy định về tuyển sinh văn bằng 2 Bộ GD-ĐT đâu có thiếu, thậm chí cực kỳ chặt chẽ. Nhưng vấn đề không nằm ở quy định, chúng ta có lẽ cần nhìn rộng hơn vấn đề là tương quan giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình”, tiến sĩ Ly nói.
Theo tiến sĩ Ly, hiện có 2 cơ chế thực hiện giải trình gồm hội đồng trường và kiểm định chất lượng. Nếu nói hội đồng trường là cơ chế chính để thực hiện giải trình thì e rằng còn bước rất xa để đạt đến đó. Còn kiểm định chất lượng, tăng cường tính minh bạch và công khai về thông tin là chỗ mà chính sách pháp luật có thể can thiệp được.
“Chính sách có thể yêu cầu tính minh bạch thông tin với toàn xã hội, khi đó chúng ta không chỉ dựa vào các trung tâm kiểm định mà còn dựa vào toàn xã hội. Các thông tin công khai được công bố có thể đúng hoặc không nhưng khi có hàng trăm ngàn con mắt nhìn vào thì chính các trường phải thận trọng hơn”, tiến sĩ Ly nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.