Nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo

27/11/2015 11:16 GMT+7

Ngày 26.11, lần đầu tiên Trường ĐH Tây Đô (www.tdu.edu.vn) tổ chức hội thảo đa ngành về đào tạo và nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL - Hội nhập và phát triển bền vững.

Ngày 26.11, lần đầu tiên Trường ĐH Tây Đô (www.tdu.edu.vn) tổ chức hội thảo đa ngành về đào tạo và nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL - Hội nhập và phát triển bền vững.

 Sinh viên Trường đại học Tây Đô trong giờ thực hành - Ảnh: Tú Uyên Sinh viên Trường đại học Tây Đô trong giờ thực hành - Ảnh: Tú Uyên
Hội thảo quy tụ hơn 70 bài tham luận của các nhà khoa học là GS, PGS, TS, ThS, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Đô, cán bộ hợp tác nghiên cứu ở 2 lĩnh vực chính là kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ.
Nghiên cứu khoa học để dạy tốt hơn
PGS-TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho biết hội thảo nhằm giúp các thầy cô hệ thống quá trình tham gia nghiên cứu khoa học của mình, trên cơ sở đó có kế hoạch củng cố. Phía nhà trường cũng sẽ có những kế sách phát triển dài hơi, tránh đi vào điệp khúc dạy thuần lý thuyết, thiếu nghiên cứu thực tiễn.
Theo PGS-TS Luận, hiện nay nghiên cứu khoa học chính là “chìa khoá” để nâng cao chất lượng đào tạo - một nhiệm vụ sống còn của các trường ĐH, CĐ. Riêng tại ĐBSCL, trường ĐH, CĐ không nhiều và quy mô đào tạo còn khiêm tốn so với cả nước, vì vậy nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo càng trở nên nặng nề hơn, đặc biệt là nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào giảng dạy. “Nền đại học đương đại, các trường phải xem trọng vai trò của nghiên cứu khoa học bởi đào tạo không đơn thuần chỉ thuần lý thuyết như trước kia. Giảng viên cần có thời gian nghiên cứu để nâng cao nghiệp vụ, củng cố bài giảng gắn với thực tế”, PGS-TS Luận nói.
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học hội thảo, các tham luận đã khơi mào cho phong trào nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo nhân lực ở Trường ĐH Tây Đô. PGS-TS Trần Công Luận chia sẻ: “Một nhà khoa học gạo cội từng nói nếu không nghiên cứu khoa học thì coi như chúng ta chỉ dừng lại là trường cấp 3 rưỡi, giảng viên dạy, sinh viên nghe - chép thụ động và kết thúc. Cách dạy đó không phù hợp với xu thế phát triển nữa, càng không thể nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực”.
Sống dậy tinh thần nghiên cứu khoa học
Tại hội thảo lần này, các tham luận được đánh giá cao là: “Khảo sát đặc điểm vi học và thành phần hoá học trong phân đoạn diethyl ether của cây an xoa và nghiên cứu thành phần hoá học của cây an xoa theo định hướng chống oxy hoá”; “Phân lập và xác định cấu trúc hợp chất chính trong phân đoạn etyl acetat của rễ cây đảng sâm…”; “Đánh giá khả năng phòng bệnh ngoại ký sinh trên cá tra bằng dịch chiết bạch hoa xà…”; “Nghiên cứu sản xuất sử dụng chế phẩm diterpen lacton chiết xuất từ cây xuyên tâm thay thế kháng sinh trong khẩu phần gà và heo thương phẩm”; “Hiệu quả kinh tế của phân hữu cơ trên vườn cây ăn trái ĐBSCL” (nhóm khoa học công nghệ); “Các giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên trường đại học”; “Giải pháp phát triển phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học”; “Năng lực: quyết định kết quả tìm việc và phát triển nghề nghiệp…”; “Phương pháp phân loại bayes và bài toán đánh giá khả năng trả nợ vay của ngân hàng” (nhóm kinh tế - xã hội).
GS-TS Võ Thị Gương, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Tây Đô, cho rằng các lĩnh vực đều có khả năng ứng dụng cao, trong đó rõ nét nhất là khoa học công nghệ. Cụ thể như các lĩnh vực nghiên cứu về thảo dược, sinh học, nông nghiệp, thuỷ sản. Ví dụ như trong nông nghiệp, thuỷ sản ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thân thiện với môi trường, sản xuất xanh… đều có thể ứng dụng ngay. Mặt khác, ngoài khả năng ứng dụng thì hội thảo đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho giảng viên, vận dụng nghiên cứu vào bài giảng.
“Về cơ bản, hội thảo khoa học đã tạo ra làn gió mới trong công tác giảng dạy, thôi thúc giảng viên quan tâm hơn đến nghiên cứu. Đây cũng là cách làm cho bài giảng hấp dẫn hơn, giúp sinh viên có thể tham gia vào nghiên cứu tiếp nhận bài giảng tốt hơn và chắc chắn các em sẽ có trình độ thực tiễn vững vàng”, PGS-TS Trần Công Luận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.