Cô giáo dạy môn Sinh của lớp kể với chúng tôi trong tâm trạng bức xúc lẫn đau xót: "Em chỉ biết mỗi một vần "ang, an". Trong bài kiểm tra môn Sinh của em, cả một đoạn dài em viết toàn là "chang hang san van nan chàng vàn..." và cộng thêm chữ "ba mẹ" ở cuối bài viết. Tôi thực sự không hiểu tại sao một học sinh lớp 6 lại như vậy?". Chúng tôi đã gặp em tại lớp, bảo em đọc một câu đơn giản trong sách nhưng em chỉ cúi đầu im lặng một lúc khá lâu rồi ngước mắt nhìn chúng tôi: "Em không biết đọc". Cô giáo còn cho biết thêm, trong lớp còn rất nhiều học sinh có trình độ đọc - viết chỉ khá hơn em T. một chút thôi. Cô giáo đưa cho chúng tôi xem hàng loạt bài kiểm tra một tiết, 15 phút của các em có điểm số từ 0 đến dưới 5. Cố gắng để hiểu các em viết gì trong những bài kiểm tra đó nhưng thực sự chúng tôi không thể hiểu được !
Qua trao đổi, bà Trịnh Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tiên Lãnh, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước - nơi em T. đã học, cho biết: Trường hợp này nhà trường có biết, nhưng vì mục tiêu phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và chỉ tiêu "lên lớp 100%" nên giáo viên chủ nhiệm và nhà trường không còn cách nào khác. Khi chúng tôi hỏi: "Nhưng trong chỉ tiêu phổ cập có trừ số lượng học sinh vì nhiều hoàn cảnh không đến trường đúng độ tuổi, tức là chỉ cần khoảng 80% học sinh trong độ tuổi đến trường được đến trường là địa phương đó được coi là đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi?". Bà Tâm nói: "Đúng là như vậy. Nhưng cộng thêm chỉ tiêu phấn đấu lên lớp 100% nên trường nào cũng không muốn cho học sinh ở lại lớp. Vì như thế sẽ bị khiển trách vì dạy không có chất lượng".
Nhiều giáo viên cho biết thêm, tại một hội nghị của ngành giáo dục cách đây 3 năm, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đề nghị tất cả hiệu trưởng các trường "phải tìm mọi cách cho học sinh lên lớp để đạt mục tiêu phổ cập". Thêm vào đó, quy định của ngành giáo dục là học sinh không thể lưu ban quá 2 năm, nên đối với học sinh yếu kém đến hạn, giáo viên cho các em lên lớp tất tần tật. Ngoài nguyên nhân vì bệnh thành tích, một phần cũng do trình độ giáo viên. Mới đây, trong cuộc kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên thì số giáo viên yếu kém cũng khiến các nhà quản lý giáo dục tỉnh đau đầu. Trong tổng số 15.504 giáo viên của tỉnh, có 506 giáo viên xếp loại trung bình và 48 giáo viên xếp loại kém về chuyên môn. Ngoài ra, toàn tỉnh có 341 giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó bậc tiểu học đông nhất là 160 người.
Tổng rà soát tình trạng "ngồi nhầm lớp"
Sự kiện em L.Th.P - học sinh lớp 6 Trường THCS Lý Thường Kiệt ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ không biết đọc, biết viết (Thanh Niên đã đưa tin) đã gây sửng sốt cho nhiều người. Tuy nhiên, kết quả khảo sát chất lượng ở các trường học trên địa bàn thành phố cho thấy tình trạng như em P. không phải là chuyện lạ. Qua kiểm tra 6 trường THCS trên địa bàn thành phố, đã có 16 trường hợp học sinh yếu, kém, trong đó có 3 học sinh có khả năng như em Ph. Nhiều giáo viên giảng dạy lâu năm trong ngành giáo dục cho biết, những trường hợp học sinh không biết đọc, biết viết mà báo chí đã nêu chỉ là những điển hình. Vì thực tế có rất nhiều học sinh ở cuối bậc tiểu học và đầu bậc THCS nhưng trình độ chỉ ngang bằng lớp 1, lớp 2, không làm được một số phép tính cộng trừ đơn giản.
Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: "Việc học sinh không biết đọc, biết viết là sản phẩm của ngành giáo dục, do chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như việc quản lý của các trường. Vì thế để giải quyết tình trạng này và để công tác phổ cập giáo dục đi vào thực chất hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đang có chủ trương tổng rà soát chất lượng học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh và đề nghị HĐND tỉnh cho phép lùi thời gian phổ cập THCS lại so với kế hoạch là sẽ hoàn thành công tác vào năm 2007".
D.H.A
Bình luận (0)