Ngôi trường ở đường Nguyễn Du

26/05/2019 11:39 GMT+7

Đi ngang đường Nguyễn Du (TP.HCM) đầy những gốc me già che chở nắng mưa, đám bạn của thời 17 thả hồn về những buổi học chiều trong hội trường lớn mà lớp chúng tôi được sử dụng sân khấu để diễn những tiểu phẩm non nớt của mình.

Trường Quốc gia âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn trên đường Nguyễn Du bây giờ là Nhạc viện TP.HCM.

Kịch sinh thuở đó

Thuở đó chẳng cô gái nào thôi kẹp tóc và chẳng đứa nào thôi học văn hóa khi trở thành kịch sinh của trường. Muốn trở thành kịch sinh thoại kịch (kịch nói) hay cải lương, người ứng tuyển chỉ cần tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp (tương đương THCS bây giờ) và phải qua một kỳ thi tuyển. Nhưng tất cả kịch sinh lớp tôi như Mai Trần, Hồ Minh Đạo, Hữu Nghĩa và sau này nữa như Phương Sóc, Minh Hoàng, Thương Tín... đều học xong lớp 11 khi thi vào trường. Mỗi thí sinh, sau khi hồ sơ hợp lệ, đều phải đến trường chọn đề thi rồi về nhà tự tập dượt. Có đứa thì đến học ở lớp của thầy Mỹ Tín, thầy Đinh Xuân Hòa, có đứa thì nhờ anh chị đang học tại trường hướng dẫn sơ sơ, còn có đứa thì tự tin vào sự diễn xuất của mình mà tự tập rồi tự diễn. Đến ngày thi, từng cô, từng cậu lên sân khấu biểu diễn đề thi của mình.

Còn nhớ, tôi bắt thăm trúng đề độc thoại của con quạ trong vở kịch Ngộ nhận của thầy Vũ Khắc Khoan. Khi bước lên sân khấu, tôi run gần chết, nhất là khi thấy thầy đang ngồi ghế giám khảo cùng với thầy Hòa, Hoàng Trọng Miên... Vừa xấu trai, vừa run khi diễn xuất nên sau khi thi xong tôi tự tin mình nên từ bỏ hy vọng trở thành kịch sĩ. Ủa, nhưng sau khi xem kết quả lại thấy tên mình trong bảng danh sách dán sau lưới mắt cáo!
Từ đó, tôi như những kịch sinh khác - buổi sáng là học sinh Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long... nhưng buổi chiều lại là kịch sinh của Trường Quốc gia âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn vì mỗi ngày trường chỉ dạy một buổi. Tất nhiên là không tốn khoản chi phí nào ngoại trừ tiền mua phân són, ủa lộn, son phấn cho môn học hóa trang.

Tiếng đàn tây xen lẫn cải lương, hát bội

Những thầy, cô dạy lớp chúng tôi đều là những kịch sinh tốt nghiệp khóa 1 (chiêu sinh năm 1960) của trường tại 112 Nguyễn Du. Ngôi nhà này vốn là trụ sở của Hội Hòa tấu nhạc cụ của thời Pháp (Société Philharmonique).
Theo tài liệu về trường còn ghi lại thì ban đầu những người học nhạc tây và nhạc ta chỉ được học ở Ban âm nhạc “ăn ké” trong Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Đại học Mỹ thuật). Đến năm 1955, chính phủ tách Ban âm nhạc ra khỏi Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định theo Công lịnh số 352/GĐ/CL về Nha Kỹ thuật học vụ số 48 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Rồi thân phận của Ban âm nhạc được “thăng tiến” về Société Philharmonique - một phòng hòa nhạc vừa có chức năng dạy nhạc của Pháp thành lập năm 1896. Và thế là vào năm 1956 phòng hòa nhạc này trở thành Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, hiệu trưởng đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Phụng. Trường có hai ngành đào tạo: ngành quốc nhạc và ngành nhạc Tây phương gồm gần 20 chuyên ngành nhạc khí và lý thuyết âm nhạc.

Có những buổi thầy đến trễ, tôi và Hồ Minh Đạo lang thang dưới câu lạc bộ - tên gọi của một quán nước nhỏ trong khuôn viên trường. Ở đây, vang ra từ những phòng học tiếng ò e của những cây vĩ cầm, tiếng từng từng của cây đại hồ cầm chen lẫn tiếng đàn cò, tiếng hát bội từ lớp của thầy Đinh Bằng Phi và lời ca của bài tứ đại oán của những lớp cải lương.
Những người bạn của tôi trong ngôi trường nghệ thuật này - có người đã thành danh và suốt đời theo nghiệp, cũng có người rẽ đời theo hướng khác nhưng khi đi ngang con đường Nguyễn Du, nhìn thẳng vào cánh cửa dẫn vào hội trường chính hỏi ai cũng nói: lòng vẫn dâng lên chút gì đó nhớ.

Những tên tuổi lẫy lừng

Khoa cải lương đầu tiên có cùng lúc với khoa thoại kịch và hát bội từ năm 1960 do sự vận động của nhà báo Nguyễn Văn Tài, Ngọc Linh. So với thoại kịch, khoa cải lương có ban giảng huấn là những “ông thầy” của sân khấu cải lương thời đó như Trương Phụng Hảo (bà Bảy Phùng Há), Kim Cúc (ái nữ nghệ sĩ Bảy Nhiêu, phu nhân của nghệ sĩ Năm Châu), Kim Lan (ái nữ ông Bảy Nhiêu, em cô Kim Cúc, phu nhân nhạc sĩ guitare - mando Bảy Y), Bích Thuận, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Lê Hoài Nở (soạn giả), Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), Duy Lân (soạn giả), Vi Huyền Đắc (soạn giả), Trần Tấn Quốc (nhà báo), Nguyễn Văn Tài (nhà báo)…
Chúng tôi thường tự hào về những thần tượng thoại kịch như Trần Quang, Bích Thủy, Huỳnh Thanh Trà, cải lương thì có Phương Ánh, Đỗ Quyên, Tú Trinh... đã xuất thân từ ngôi trường này. Ngành âm nhạc đã có biết bao tên tuổi như Phạm Thúy Hoan (thủ khoa đàn tranh năm 1962), nhạc sĩ Trần Quang Hải, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (tốt nghiệp vĩ cầm), Võ Tá Hân (guitare cổ điển), nhạc sĩ Anh Việt Thu, ca sĩ Họa Mi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ... đã làm rạng danh trường cũng như đóng góp lớn cho đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.