Miễn học phí cho học sinh THCS: Một tín hiệu vui

17/08/2018 18:16 GMT+7

Biết được thông tin học sinh bậc THCS sẽ được miễn học phí, tôi như 'vớ phải vàng' và liền nghĩ ngay đến học sinh trường tôi - một ngôi trường cấp hai ven biển quanh năm đầy nắng và gió với những gương mặt học sinh đen nhẻm và lấm lem.

Năm học mới đang đến gần, mọi gia đình đang tất bật chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần cho con em mình có một năm trọn vẹn. Thì một thông tin không thể không vui hơn đó là Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách của Bộ GD-ĐT là “miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc tiểu số, vùng sâu” đã đến với toàn thể người dân. Qua đó, cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước đối với từng cấp học, đặc biệt là bậc THCS, điều này hoàn toàn đúng với tư tưởng “giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu”
Để minh chứng cho chính sách này, TP.HCM là địa phương sẽ áp dụng vào năm 2019. Đây là một tín hiệu vui đối với các bậc cha mẹ có con em đang học ở bậc học này.

Biết được thông tin học sinh bậc THCS sẽ được miễn học phí, tôi như “vớ phải vàng” và liền nghĩ ngay đến học sinh trường tôi - một ngôi trường cấp hai ven biển quanh năm đầy nắng và gió với những gương mặt học sinh đen nhẻm và lấm lem.
Không biết, tin vui này đã đến được phụ huynh và học sinh ở ngôi trường THCS - nơi tôi đang công tác hay chưa. Nhưng chỉ nghe thông tin này thôi tôi đã tưởng tượng được những khuôn mặt hân hoan, sung sướng, nụ cười của những người làm cha làm mẹ nơi đây.
Việc miễn học phí bậc THCS bước đầu giúp họ thôi lo lắng về khoản tiền học phí không nhỏ mà quanh năm đè nặng suy nghĩ của những người nông dân “chân lấm tay bùn” này. Vì mỗi gia đình nơi đây đa phần thuộc diện nghèo, cận nghèo. “Ăn buổi mai lo buổi hôm”, họ vất vả quanh năm suốt tháng với các nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm ngư nghiệp, thợ nề, thợ may… Vất vả lắm họ mới cho con em đến trường.
Học sinh quê tôi nghèo lắm, bữa ăn sáng chủ yếu là cơm trắng, thỉnh thoảng mới được tô bún, ổ mì…
Học sinh quê tôi vất vả lắm, học nửa buổi, nửa buổi còn lại về phụ mẹ cày cấy, cuốc trồng… để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Có những câu chuyện về việc chạy vạy để lo các khoản nộp đầu năm cho con mà mãi tận khi con cái học hết năm học mà vẫn chưa có đủ tiền để đóng cho nhà trường. Có những gia đình lo đủ tiền cho đứa chị thì lại thiếu khoản đóng của đứa em. Có những gia đình không mua nổi cho con một thẻ bảo hiểm. Đến khi con gặp ốm đau mới thấy thiếu trăm bề.
Học sinh quê tôi thường đến trường với chiếc áo trắng đã sờn màu, mùa đông với độc một chiếc áo ấm quanh năm. Thiếu thốn và vất vả là đặc thù của học sinh vùng ven biển này.
Thông tin miễn học phí bậc THCS mang lại niềm vui không tưởng đối với phụ huynh và học sinh quê tôi nói riêng và những miền quê còn nghèo khó khắp đất nước nói chung. Không còn niềm vui nào hơn thế nữa.
Rồi đây, khoản tiền học phí nhỏ đó sẽ giúp đôi vai gầy của cha mẹ các em bớt mỏi, giúp các em tiết kiệm một khoản nhỏ để phụ giúp gia đình. Và đặc biệt hơn đối với những gia đình đông con thì khoản học phí này không hề nhỏ, giúp họ trang trải thêm trong việc ăn học của con và hàng ngàn việc phát sinh khác trong cuộc sống. Có thể thấy rằng, đối với một gia đình khá giả khoản học phí này chỉ là một khoản nhỏ nhưng đối với những gia đình khó khăn, có đông con cái đến trường thì khoản học phí này cũng đủ làm lòng các bậc cha mẹ thấp thỏm mỗi khi năm học mới về.
Giáo dục luôn hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ và đây là một việc làm mang tính nhân văn mở đầu cho năm học mới của Bộ GD-ĐT.
Nghỉ đến nụ cười của các bậc cha mẹ sau cánh cổng trường, ánh mắt dõi theo con khi con bước vào lớp, lòng giáo viên như chúng tôi tự nhiên nhẹ tênh và mỹ mãn.
Xin hoan nghênh tinh thần nhân văn này!
Hy vọng sau việc làm miễn học phí đối với bậc THCS, Bộ GD-ĐT sẽ dành thêm nhiều ưu tiên khác có ích cho toàn xã hội để giáo dục mãi là “quốc sách” trong lòng dân.
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.