Thầy cô đừng để học sinh tìm đến cái chết

01/08/2018 17:05 GMT+7

Có thể nói, tình trạng trầm cảm đang bủa vây không ít học trò. Áp lực nặng nề về học tập, cô đơn trong gia đình khi ít có sự tương tác của các bậc phụ huynh. Vì vậy, nhiều em đã chọn cái chết như một cách giải thoát.

Chuyện học sinh tìm cách tự tử trước áp lực học tập - bệnh thành tích của người lớn - đâu đó hằng năm vẫn xảy ra ở nước ta. Nỗi đau ấy đến từ bệnh thành tích của người lớn.
Ở đây, tôi chỉ nói đến một khía cạnh - vai trò của thầy cô đối với các em. Nếu ở trường học, thầy cô thực sự quan tâm các em, để các em đặt niềm tin, có lẽ những cái chết thương tâm sẽ không xảy ra. Trước những sự việc đau lòng ấy, ít nhiều thầy cô chúng ta cũng có lỗi với học sinh. Lương tâm chúng ta cũng ray rứt.
Ở trường, giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là con chữ trong sách vở, không chỉ là cách nhìn nhận, sự kỳ vọng của thầy cô về điểm số mà cần lắm sự lắng nghe, chia sẻ từ thầy cô.

Càng quan tâm học sinh, sẵn sàng bàn về kiến thức ngoài sách vở đã cho tôi nhiều bài học quý - bài học từ sự lắng nghe và chia sẻ cùng học trò.
Khi quan tâm, chia sẻ cùng học sinh, tôi nhận được khá nhiều niềm tin từ các em. Tôi sẵn sàng lắng nghe các em tâm sự
Một lần, tôi thấy em A.N rất tích cực xây dựng bài, thế nhưng trông em lúc nào cũng buồn buồn. Tôi động viên em, nếu có gì muốn chia sẻ thì tâm sự cùng thầy. Em vẫn ái ngại. Một hôm đang trong bài giảng, sắp kết thúc tiết học, em đứng dậy: “Thưa thầy, ra chơi cho con được nói chuyện với thầy được không ạ?”. Tôi sẵn sàng nhận lời và còn rất vui nữa khi một cô học trò đã sẵn sàng chia sẻ cùng tôi. Khi cả lớp xuống sân, chỉ còn hai thầy trò trên lớp, chưa nói được câu gì mà nước mắt cứ tuôn ra cùng với những tiếc nấc nghẹn ngào. Em buồn vì cha mẹ, nhất là người cha của mình ít khi chia sẻ cùng con cái. Áp lực nặng nề của việc học tập cũng như chuyện từ gia đình đã làm em tổn thương. Điều em muốn nói với cha thì em đã không thể nói, bởi mỗi lần nói cha em đều bác bỏ. Kể từ ngày hôm đó, em càng đặt niềm tin để chia sẻ cùng tôi. Tôi cho em số điện thoại và nói: “Những lúc nào buồn, con cứ gọi cho thầy. Lúc nói chuyện cùng thầy, chắc chắn nỗi buồn đó sẽ vơi đi”. Tôi sợ điều không hay khi các em nghĩ chưa chín chắn, nên tôi sẵn sàng chia sẻ. Suốt một năm qua, biết bao lần em nói: “Con cám ơn thầy!” qua lời nói trực tiếp cũng như qua những “lá thư” (một mảnh giấy mà học trò thường viết gửi tôi lúc các em muốn tâm sự điều gì).
Còn em H.H thì hay chia sẻ cùng tôi về tình yêu mà em dành cho một người bạn ở quê. Khi nghe những lời chia sẻ ấy, tôi càng trân trọng tình yêu của em, dẫu em đang là một học sinh THPT.
Một buổi học nọ, vừa bước vào lớp, em Q.T bước lên đưa cho tôi một “lá thư”. Em viết: “Em bây giờ học không vô nữa thầy ơi. Giờ phải có một động lực để em học thầy ơi. Thầy giúp em được không ạ?”. Vừa thi xong học kỳ, môn vật lý làm bài không được tốt khiến T. lo lắng. Nếu như chỉ đọc những lời đó thì thấy sự lo lắng ấy là bình thường, nhưng khi nghe em tâm sự, ẩn sâu trong những dòng chữ ấy lại là áp lực việc học từ mẹ của em. Vừa nói chuyện em vừa khóc. Em nói: “Em không thể chịu được áp lực của mẹ. Mẹ bắt em thi tốt để được lên lớp chọn. Em buộc phải lên được lớp chọn nhưng em đã cố gắng hết mình rồi”. Tôi nói với em rằng, em cần tâm sự rõ cho mẹ hiểu năng lực của mình và em cũng đã cố gắng hết mình rồi thì mẹ sẽ hiểu. Em trả lời: “Mẹ em không chịu nghe thầy ạ. Thầy có thể gọi nói cho mẹ em được không?”.
Tôi cũng thầm cảm ơn các em nhiều lắm. Chính những sự chia sẻ của các em giúp cho tôi càng yêu trò và yêu nghề hơn nữa, làm thêm được việc tốt, dù rất nhỏ đối với học sinh thân yêu.
Công việc của người thầy cũng không ít áp lực. Tuy nhiên, không vì vậy mà mình không quan tâm, chia sẻ với học sinh, nhất là những học sinh có biểu hiện khác thường. Hãy dạy các em không chỉ bằng kiến thức mà hãy dạy bằng cả tâm hồn mình. Đừng để các em mất niềm tin trong cuộc sống.
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần sự tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy Trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.